Khi người lao động (NLĐ) tham gia hợp đồng lao động tại cơ sở doanh nghiệp bên cạnh việc trả tiền lương, tiền công theo quy định thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho NLĐ.
Trường hợp doanh nghiệp vì lý do nào đó hoặc mục đích riêng mà chiếm dụng khoản tiền đóng các loại bảo hiểm dẫn đến chậm đóng BHYT thì số tiền này có được hoàn trả cho NLĐ?
1. NLĐ có bắt buộc phải tham gia BHYT?
BHYT bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế 2008 để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Cụ thể, đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, còn có người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật cũng là đối tượng tham gia BHYT.
Do đó, NLĐ có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều trở thành đối tượng phải tham gia BHYT, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm đóng BHYT thay cho NLĐ.
2. Mức đóng BHYT đối với NLĐ và doanh nghiệp
Hiện nay, mức đóng BHYT đối với NLĐ làm việc tại doanh nghiệp có hợp đồng lao động xác định thời hạn và không có thời hạn có thể căn cứ Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
NLĐ có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, NLĐ là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương hoặc là cán bộ, công chức, viên chức mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc trong đó:
- Người sử dụng lao động đóng 3%.
- Người lao động đóng 1,5%.
Qua đó, mức đóng BHYT cho cơ quan BHYT đối với doanh nghiệp là 3%, còn NLĐ là 1,5% dựa trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
3. Xử lý khoản tiền doanh nghiệp chậm đóng BHYT
Căn cứ khoản 3 Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bởi Luật Bảo hiểm y tế 2014) quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
4. Mức phạt hành chính doanh nghiệp chậm đóng BHYT
Dựa trên khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHYT tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.
- Đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
- Chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Như vậy, trường hợp mà doanh nghiệp chậm đóng BHYT mà bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt thì buộc phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.