Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử
Quan hệ thừa kế là một quan hệ pháp luật có nội dung kinh tế xã hội sâu sắc, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Quan hệ thừa kế và quan hệ sở hữu có mối quan hệ hữu cơ với nhau.
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992 và được quy định trong phần thứ tư của Bộ luật Dân sự. Nguyên tắc cơ bản của quyền thừa kế được phản ánh trong Bộ luật Dân sự đó là:
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thừa kế là sự chuyển dịch quyền sở hữu bằng hai phương thức khác nhau: Thứ nhất là sự định đoạt theo ý nguyện cuối cùng của người để lại thừa kế theo di chúc ; thứ hai là theo quy định của pháp luật. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều được pháp luật bảo đảm cho việc hưởng di sản của người chết để lại.
Một nguyên tắc nữa mà pháp luật quy định đó là quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân. Nguyên tắc này là sự cụ thể hoá một phần các nguyên tắc cơ bản của bộ luật dân sự. Đó là quyền bình đẳng giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự trong khi xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự.
Quyền bình đẳng trong quan hệ về thừa kế được thể hiện: Mọi cá nhân không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị, xã hội… đều có thể để lại tài sản của mình cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy có nghĩa là mọi người đều có thể lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Vợ chồng đều được thừa kế của nhau, phụ nữ và nam giới, con trai, con gái đều được hưởng thừa kế ngang nhau theo quy định của pháp luật.
Pháp luật cũng quy định người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản. Người thừa kế nhận di sản thì được hưởng tài sản, các quyền tài sản mà người chết để lại, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản hoặc tương ứng phần di sản mà mình đã nhận.
Người nhận thừa kế có thể từ chối nhận di sản. Tuy nhiên Bộ luật dân sự không cho người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Nguyên tắc tôn trọng quyết định đoạt bằng di chúc là nguyên tắc cơ bản cuối cùng về quyền thừa kế. Nguyên tắc nêu rõ: Quyền định đoạt bằng di chúc của người có tài sản phải được tôn trọng; đồng thời bảo hộ chính đáng quyền lợi của một số người trong diện thừa kế đương nhiên (thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc)
Như đã nói ở trên, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho bất cứ ai. Có nghĩa là nếu người chết để lại di chúc (hợp pháp) thì việc thừa kế sẽ tiến hành theo di chúc. Tuy nhiên việc định đoạt của người lập di chúc bị hạn chế trong trường hợp quy định Bộ luật Dân sự.
Trên đây là những nguyên tắc cơ bản nhất trong phần thừa kế được kế thừa các văn bản pháp luật về thừa kế trước đây phù hợp với nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cũng như phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống dân tộc của nhân dân ta