Những yêu cầu tối thiểu của bao bì, thùng chứa, đóng gói hàng hóa nguy hiểm khi chưa có tiêu chuẩn

Chủ đề   RSS   
  • #616745 25/09/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Những yêu cầu tối thiểu của bao bì, thùng chứa, đóng gói hàng hóa nguy hiểm khi chưa có tiêu chuẩn

    Đối với những hàng hóa nguy hiểm, thông thường sẽ có quy định chặt chẽ về các yêu cầu đối với bao bì, thùng chứa, đóng gói. Nhưng nếu chưa có tiêu chuẩn nào quy định thì việc đóng gói hàng hóa nguy hiểm sẽ phải thực hiện thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.

    1. Hàng hóa nguy hiểm được phân loại thế nào?

    Căn cứ Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:

    + Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ;

    Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng.

    Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng.

    Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng.

    Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể.

    Nhóm 1.5: Chất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng.

    Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.

    + Loại 2. Khí;

    Nhóm 2.1: Khí dễ cháy.

    Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại.

    Nhóm 2.3: Khí độc hại.

    +Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy;

    + Loại 4;

    Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.

    Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy.

    Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.

    + Loại 5;

    Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa.

    Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.

    + Loại 6;

    Nhóm 6.1: Chất độc.

    Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.

    + Loại 7: Chất phóng xạ;

    + Loại 8: Chất ăn mòn;

    + Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.

    - Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.

    Việc phân loại hàng hóa nguy hiểm như trên để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và sử dụng. Ngoài ra, còn giúp xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hàng hóa, từ đó áp dụng các biện pháp bảo vệ, quy định vận chuyển, và xử lý phù hợp.

    2. Những yêu cầu tối thiểu của bao bì, thùng chứa, đóng gói hàng hóa nguy hiểm khi chưa có tiêu chuẩn

    Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định trường hợp bao bì, thùng chứa, đóng gói hàng hóa nguy hiểm chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của quốc tế do Bộ quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm công bố thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

    + Chất lượng bao bì, thùng chứa có thể chịu được va chạm và chấn động trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp hàng hóa giữa các phương tiện và xếp dỡ vào kho;

    + Bao bì, thùng chứa phải bảo đảm không làm rò rỉ chất nguy hiểm trong quá trình vận chuyển hoặc khi vận chuyển với các tác động như rung lắc, thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và áp suất;

    + Phía bên ngoài bao bì, thùng chứa phải bảo đảm sạch và không dính một loại hóa chất nguy hiểm nào;

    + Các phần của bao bì, thùng chứa có tiếp xúc với chất nguy hiểm phải bảo đảm yêu cầu không bị ảnh hưởng hay bị suy giảm chất lượng do tác động của chất nguy hiểm đóng bên trong; không làm ảnh hưởng đến thành phần, tính năng và tác dụng của hàng nguy hiểm;

    + Bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm ở dạng lỏng phải bảo đảm không bị rò rỉ hay biến dạng vì sự tăng thể tích của các chất lỏng khi thay đổi nhiệt độ; có sức chịu đựng thích hợp với áp suất từ phía bên trong sinh ra trong quá trình vận chuyển; được thử độ rò rỉ trước khi xuất xưởng;

    + Bao bì, thùng chứa bên trong thuộc dạng dễ bị vỡ hoặc đâm thủng như thủy tinh, sành sứ hoặc một số loại nhựa phải được chèn cố định với lớp bao bì, thùng chứa bên ngoài bằng các loại vật liệu chèn, đệm giảm chấn động thích hợp;

    + Bao bì, thùng chứa các chất dễ bay hơi phải bảo đảm giữ chất không bị bay hơi trong quá trình vận chuyển theo yêu cầu của nhà sản xuất;

    + Bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm ở dạng hạt hay bột phải đảm bảo không bị rơi vãi trong quá trình xếp dỡ, vận chuyển.

    Chung quy lại, những yêu cầu tối thiểu của bao bì, thùng chứa, đóng gói hàng hóa nguy hiểm khi chưa có tiêu chuẩn cốt yếu là để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính ổn định cho bao bì hàng hóa và bảo vệ quyền lợi chung của toàn xã hội.

     
    81 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận