Khi đầu tư, xây dựng công trình thì cũng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (bảo hiểm công trình). Vậy, năm 2024 những trường hợp nào phải mua bảo hiểm công trình?
Có mấy loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng?
Theo Điều 9 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi 2020 quy định về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:
Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm:
- Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;
- Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba;
- Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.
Trong đó, chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.
Như vậy, trong hoạt động đầu tư xây dựng sẽ có 5 loại bảo hiểm như trên, đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng sẽ do chủ đầu tư mua.
Những trường hợp phải mua bảo hiểm công trình 2024
Theo Điều 32 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình sau:
- Công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng quy định tại Phụ lục X Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
- Công trình đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV Nghị định 08/2022/NĐ-CP và thuộc danh mục dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.
- Công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, năm 2024, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc công trình,
Chủ đầu tư không mua bảo hiểm bắt buộc công trình bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp không mua bảo hiểm công trình như sau:
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công thi công không đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt;
+ Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công xây dựng công trình không gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn theo quy định;
+ Không kiểm tra để chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc thiết bị lắp đặt vào công trình;
+ Để nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công trình đối với những vật liệu xây dựng phải công bố hợp quy theo quy định;
+ Không mua bảo hiểm công trình theo quy định;
+ Không tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc mua bảo hiểm công trình trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng.
Đồng thời, theo điểm khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, nhà đầu tư là tổ chức không mua bảo hiểm công trình sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng, là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.