Những trường hợp được miễn thủ tục kiểm tra hải quan năm 2024

Chủ đề   RSS   
  • #616650 21/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20048
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 442 lần


    Những trường hợp được miễn thủ tục kiểm tra hải quan năm 2024

    Thủ tục kiểm tra hải quan là gì? Những trường hợp nào được miễn thủ tục kiểm tra hải quan năm 2024? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé

    (1) Thủ tục kiểm tra hải quan là gì?

    Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Hải quan 2014, kiểm tra hải quan được định nghĩa là hoạt động mà cơ quan hải quan thực hiện để kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan, cũng như tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa và phương tiện vận tải.

    Theo đó, khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. (điểm b khoản 1 Điều 21 Luật Hải quan 2014)

    Việc kiểm tra hải quan nhằm đảm bảo rằng các thông tin khai báo của doanh nghiệp là chính xác và đầy đủ, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế và buôn lậu. 

    Thông qua việc kiểm tra hàng hóa và phương tiện vận tải, cơ quan hải quan có thể phát hiện và ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa cấm, hàng hóa nguy hiểm hoặc hàng hóa vi phạm các quy định về an ninh.

    Theo phân tích nêu trên, có thể thấy thủ tục này đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về hải quan và an ninh quốc gia của nước ta.

    (2) Những trường hợp miễn thủ tục kiểm tra hải quan năm 2024

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật Hải quan 2014 và Mục 8 Công văn 19046/BTC-TCHQ năm 2014, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, hàng hóa thuộc 03 trường hợp sau đây được miễn thủ tục kiểm tra hàng hóa thực tế:

    -  Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp;

    - Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

    - Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

    Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên tại Điều 42 Luật Hải quan 2014 sẽ được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật (khoản 1 Điều 43 Luật Hải quan 2014).

    Ngoài ra, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ sẽ được ưu đãi, miễn trừ về khai hải quan, kiểm tra hải quan. Túi ngoại giao, túi lãnh sự cũng được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan.

    Cuối cùng, hành lý, phương tiện vận tải dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng được miễn kiểm tra hải quan.

    (3) Nguyên tắc kiểm tra, giám sát hải quan như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 16 Luật Hải quan 2014, việc kiểm tra, giám sát hải quan phải thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau đây:

    - Hàng hóa, phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.

    - Kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

    - Hàng hóa được thông quan, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.

    - Thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện và theo đúng quy định của pháp luật.

    - Việc bố trí nhân lực, thời gian làm việc phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

    Việc tuân thủ các nguyên tắc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014 là rất cần thiết để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra một cách hợp pháp, an toàn và hiệu quả.

    Qua đó, không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

     
    159 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận