>>> Sổ tay kỹ năng tư vấn pháp luật
Chọn con đường tư vấn pháp luật hay là tranh tụng, là những đắn đo khi rời bước giảng đường và bắt đầu va chạm thực tế, có những bạn cho rằng chọn con đường tư vấn pháp luật vì nó dễ đi hơn, nhưng không đâu bạn, bất kỳ con đường nào cũng có những khó khăn riêng. Tư vấn pháp luật là cũng không là ngoại lệ, và có bạn đặt câu hỏi rằng, làm sao để tránh được sai sót khi tư vấn pháp luật?
Sau đây, mình xin kể ra những sai sót thường gặp trong tư vấn pháp luật và cách khắc phục, bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn, nên rất mong sự chia sẻ thêm của những bậc tiền bối đi trước về kinh nghiệm của mình trong hoạt động tư vấn.
Thứ nhất, khi tiếp xúc khách hàng
- Người tư vấn chưa có sự chuẩn bị chu đáo, về tài liệu, thông tin, về địa điểm tư vấn cũng như về trang phục. Cái nhìn đầu tiên chính là cái để lại ấn tượng sâu nhất, và khi người tư vấn chưa có sự chuẩn bị cần thiết thì sẽ để lại ấn tượng xấu với khách hàng, họ sẽ cho rằng mình là người không có năng lực, quá trình tư vấn sẽ không thành công.
- Người tư vấn có thái độ thô lỗ, không kiềm chế cảm xúc. Có thể khách hàng của mình là người sai và họ luôn cho rằng mình đúng, hay họ đang mất bình tĩnh, nhưng người tư vấn phải có thái độ khách quan và phải hướng đến bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Nếu người tư vấn không làm được vậy thì khách hàng sẽ không có thiện chí, cảm thấy không được tôn trọng.
- Người tư vấn không nắm bắt được yêu cầu cần thiết đối với từng loại khách hàng. Có những khách hàng không thích người khác thể hiện hiểu biết hơn họ, những khách hàng nước ngoài có những điều kiêng kỵ nhất định, người tư vấn không biết thì sẽ gặp phải sai lầm khi tiếp xúc với họ, tạo cho họ sự “ác cảm” ngay từ ban đầu.
- Người tư vấn luôn thể hiện ý chí chủ quan, áp đặt ý chí của mình vào khách hàng và đưa ra sự tư vấn không có tính khách quan, không có độ tin cậy cao.
- Người tư vấn khi chưa hình thành quan hệ pháp lý với khách hàng mà đã giải đáp hết những thắc mắc cho khách hàng, đưa ra phương án giải quyết cho họ, đó chính là làm cho lợi ích của người tư vấn bị thiệt.
Ngoài ra còn một số sai sót khác mà người tư vấn cũng có thể mắc phải khi tiếp xúc khách hàng, chẳng hạn như không đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc tuân thủ pháp luật, giữ bí mật thông tin khách hàng, trung thực khách quan…
Cách khắc phục:
- Chuẩn bị chu đáo về tài liệu, thông tin, địa điểm và kể cả bề ngoài (phong cách ăn mặc cần chỉnh chu, gọn gàng) bởi có nhiều khách hàng khó tính và họ chú trọng những điểm này.
- Phân loại khách hàng, vì tùy đối tượng khách hàng mà có cách tư vấn khác nhau, mỗi loại khách hàng này người tư vấn phải nắm bắt được kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp, tránh những điều khách hàng cho là “kỵ”.
- Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người tư vấn cần phải trau dồi các kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, ghi chép, đặt câu hỏi và diễn giải, tổng hợp vấn đề.
- Người tư vấn cần có thái độ điềm tĩnh, cởi mở, biết trấn an cho khách hàng khi khách hàng mất bình tĩnh. Xuyên suốt quá trình tư vấn phải luôn tôn trọng khách hàng, nhưng không phải nghe theo mọi yêu cầu của họ.
- Cần có sự tinh tế và nhạy bén trong việc nắm bắt yêu cầu, thái độ khách hàng thông qua giọng nói, ngôn từ…
Thứ hai, khi nghiên cứu hồ sơ và xác định vấn đề pháp lý
- Sử dụng phương pháp nghiên cứu không phù hợp với vụ việc
- Xác định vấn đề pháp lý không đúng
Cách khắc phục:
- Cần xác định các phương pháp nghiên cứu sau:
+ Phân tích vụ việc theo diễn biến xuôi, diễn biến ngược
+ Phân tích vụ việc trên cơ sở yêu cầu của khách hàng
+ Phân tích theo vấn đề
+ Phân tích theo kinh nghiệm nghề nghiệp của tư vấn viên hoặc Luật sư
- Để xác định đúng vấn đề pháp lý, bạn cần nghiên cứu quyển Tài ba của Luật sư hoặc Tư duy pháp lý của Luật sư của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích để học hỏi kinh nghiệm cùng thực tập trên thực tế.
Thứ ba, tìm luật và áp dụng luật
- Tìm văn bản luật đã hết hiệu lực
- Áp dụng văn bản luật sai thời điểm
Cách khắc phục:
- Bạn cần tham gia tra cứu văn bản tại Thư Viện Pháp Luật để xác định xem văn bản đó còn hiệu lực tại thời điểm áp dụng hay không?
- Xem văn bản còn hiệu lực hay không là yếu tố quan trọng, nhưng cũng cần xem xét thời điểm xảy ra vụ việc và quy định trước đây cùng hiện tại để áp dụng đúng.