Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy thực hiện dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân một cách đạt hiệu quả hơn.
Trong đó những nội dung, hình thức, thời điểm các cơ quan Kiểm toán nhà nước phải công khai tại Điều 8, 9 Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1659/QĐ-KTNN năm 2024 có hiệu lực từ 26/09/2024 bao gồm:
Những nội dung phải công khai trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước
Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng Khối cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước phải công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị các nội dung sau đây:
- Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; chủ trương của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN, Lãnh đạo KTNN sau khi đã được thống nhất thông qua.
- Kế hoạch, Báo cáo công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng của cơ quan, đơn vị; Kế hoạch kiểm toán trung hạn, Kế hoạch kiểm toán năm, Phương án tổ chức kiểm toán năm.
- Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền quyết định và các nguồn tài chính khác; tình hình thực hiện dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị.
- Tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng.
- Kế hoạch, chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công cho từng dự án; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; quyết toán vốn đầu tư công.
- Việc tuyển dụng, tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, quy hoạch, chuyển đổi vị trí công tác; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, chấm dứt hợp đồng làm việc; đi công tác nước ngoài; giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của cơ quan, đơn vị.
- Kết luận của cấp có thẩm quyền về vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật; Biên bản kết luận xác minh tài sản của người thuộc diện phải xác minh tài sản hàng năm.
- Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
- Nội quy, quy chế, quy định, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước.
- Kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến.
- Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị.
- Nội dung khác theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Các hình thức công khai thông tin
- Niêm yết thông tin;
- Thông báo qua hệ thống Phần mềm quản lý văn bản điều hành, thư điện tử hoặc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Kiểm toán nhà nước;
- Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị;
- Thông báo bằng văn bản đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị;
- Thông qua người phụ trách các bộ phận của cơ quan, đơn vị để thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- Thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị để thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị;
- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thởi điểm công khai thông tin
Nội dung thông tin thực hiện công khai phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
=>> Như vậy việc công khai thông tin của các cơ quan Kiểm toán nhà nước hiện nay được thực hiện theo quy định nêu trên.