Những lý do nào là hợp pháp để yêu cầu ly hôn đơn phương?

Chủ đề   RSS   
  • #615377 17/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19034
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 403 lần


    Những lý do nào là hợp pháp để yêu cầu ly hôn đơn phương?

    Bạn có thắc mắc khi yêu cầu ly hôn đơn phương thì những lý do nào sẽ được Tòa án chấp nhận cho ly hôn không Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

     

    (1) Ly hôn đơn phương là gì?

    Ly hôn theo yêu cầu của một bên hay cách gọi dân dã là ly hôn đơn phương (hay đơn phương ly hôn) là một hình thức ly hôn được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

    Theo đó, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

    Ngoài ra, không chỉ vợ/chồng trong mối quan hệ hôn nhân mà cha, mẹ, hoặc người thân thích khác của vợ hoặc chồng cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

    Như vậy, có thể hiểu, ly hôn đơn phương là quá trình chấm dứt hôn nhân mà chỉ một bên vợ/chồng hoặc người thân của môn bên vợ/chồng yêu cầu, không cần sự đồng ý của bên còn lại.

    Bên yêu cầu phải chứng minh lý do hợp pháp như mâu thuẫn nghiêm trọng, bạo lực gia đình, hoặc vi phạm nghĩa vụ hôn nhân và Tòa án sẽ xem xét dựa trên lý do đó để quyết định có chấp nhận yêu cầu ly hôn hay không.

    (2) Những lý do nào là hợp pháp để yêu cầu ly hôn đơn phương?

    Theo như quy định ở trên, các lý do hợp pháp để ly hôn đơn phương có thể kể đến như bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, vợ hoặc chồng bị tâm thần, vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất tích,...

    Tại Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã hướng dẫn về việc ly hôn đơn phương như sau:

    1- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình:

    Là vợ, chồng có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022

    2- Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng:

    Là việc vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia

    Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình

    3- Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được:

    - Không có tình nghĩa vợ chồng: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng

    - Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình

    - Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau

    - Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.

    Theo đó, khi ly hôn đơn phương vì những lý do kể trên thì sẽ được xem là lý do hợp pháp.

    (3) Thủ tục ly hôn đơn phương

    Một bên vợ/chồng có nguyện vong ly hôn đơn phương thì thực hiện theo các bước sau:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương, gồm có: 

    - Đơn xin ly hôn đơn phương theo Mẫu 23-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/13/don-xin-ly-hon-don-phuong.docx

    - Bản chính đăng ký kết hôn.

    - Một trong những giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin cư trú của cá nhân như: Thẻ CCCD/CMND, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

    - Bản sao CMND/CCCD của cả vợ và chồng.

    Trường hợp nếu đã có con chung, thì cần bổ sung thêm bản sao giấy khai sinh của con. Nếu có tài sản chung cần phân chia thì cá nhân chuẩn bị thêm những giấy tờ chứng minh tài sản chung của vợ chồng.

    Bên cạnh đó, nếu cá nhân có chứng cứ chứng minh mình bị người vợ hoặc chồng bạo lực gia đình, không thực hiện nghĩa vụ…cũng cần cung cấp cho Tòa án.

    Bước 2: Nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người bị yêu cầu ly hôn. 

    Trường hợp vụ án ly hôn có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì nộp đơn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 37 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015).

    Bước 3: Sau khi đã tiếp nhận đơn yêu cầu ly hôn đơn phương. Thẩm phán sẽ dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho cá nhân để nộp tiền tạm ứng án phí. Theo đó, trong thời hạn là 07 ngày tính từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí thì cá nhân nộp tiền tạm ứng án phí kèm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Nội dung này được quy định tại Điều 195 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

    Bước 4: Theo đó, trong thời hạn là 03 ngày làm việc tính từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán sẽ thông báo thụ lý vụ án bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời, phân công thẩm phán thụ lý vụ án.

    Bước 5: Tại bước này, Tòa án sẽ thực hiện thủ tục hòa giải, có 02 trường hợp như sau:

    - Trường hợp hòa giải thành: Tòa án sẽ lập biên bản và sau 07 ngày nếu các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị. 

    - Trường hợp hòa giải không thành: Tòa án lập biên bản sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

    Bước 6: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên sẽ được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm và ban hành bản án giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương.

    Ly hôn đơn phương là giải pháp cuối cùng khi hôn nhân không thể cứu vãn. Những lý do như bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hôn nhân là căn cứ pháp lý để tòa án chấp nhận đơn ly hôn.

    Tuy nhiên, quyết định ly hôn là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả hai vợ chồng và con cái. Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của luật sư trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

     
    389 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận