Hiện nay, quy định pháp luật về những hành vi nào bị cấm trong hoạt động xuất bản như thế nào? Đối tượng nào được thành lập nhà xuất bản?
Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động xuất bản?
Theo đó, tại Điều 10 Luật xuất bản 2012 quy định về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản như sau:
- Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:
+ Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
+ Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
+ Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
+ Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
- Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
+ Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;
+ Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản;
+ In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;
+ Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;
+ Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;
+ Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy hoạt động xuất bản nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, chống phá nhà nước, kích động bạo lực, gây thù hằn dân tộc, xuyên tạc lịch sự và các hành vi bị cấm khác theo quy định nêu trên.
Đối tượng nào được thành lập nhà xuất bản?
Theo Điều 12 Luật Xuất bản 2012 quy định về đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản như sau:
- Cơ quan, tổ chức sau đây được thành lập nhà xuất bản (sau đây gọi chung là cơ quan chủ quản nhà xuất bản):
+ Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật.
- Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu.
Như vậy, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật sẽ được thành lập nhà xuất bản.
Cần những điều kiện gì thành lập nhà xuất bản?
Theo Điều 13 Luật Xuất bản 2012, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có quy định về việc thành lập nhà xuất bản phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;
- Có người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Luật Xuất bản 2012 để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất năm biên tập viên cơ hữu;
- Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;
Như vậy, những điều kiện trên cần được đảm bảo để có thể thành lập nhà xuất bản.