Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến khó lường với các biến chủng phụ mới cho nên một số đối tượng nên tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19.
1. Các đối tượng tiếp tục tiêm vắc xin phòng Covid-19
Theo Công văn 2461/BYT-DP 2024 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế; Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 như sau:
Những đối tượng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 bao gồm:
· Người trên 50 tuổi;
· Người có bệnh lý nền;
· Người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào;
· Phụ nữ có thai.
Các đối tượng trên nếu chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 01 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 01 liều cách liều trước đó từ ít nhất 06 tháng bằng các loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
Đối với phụ nữ có thai, Bộ Y tế yêu cầu tiêm 01 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn nêu trên để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới. Gửi kết quả rà soát về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng kịp thời và tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.
2. Các biện pháp phòng bệnh Covid-19
Theo Quyết định 3985/QĐ-BYT có hiệu lực ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế có đưa ra các biện pháp phòng bệnh Covid-19 như sau:
Thứ nhất, biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu
Khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Viện phòng bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Quyết định số 2609/QĐ-BYT ngày 20/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi ngờ.
Nâng cao sức khỏe: có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.
Tăng cường thông khí, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, trường học, nơi làm việc.
Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...).
Cơ sở giáo dục, cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nêu trên.
Thứ hai, biện pháp phòng bệnh đặc hiệu
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương. Triển khai lồng ghép tiêm vắc xin phòng COVID-19 với hoạt động tiêm chủng thường xuyên.
Thứ ba, kiểm dịch y tế biên giới
Thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Thứ tư, Thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch
Các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị giám sát, xét nghiệm, phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.