Khái niệm “cộng tác viên” có lẽ khá quen thuộc với các bạn sinh viên hiện nay và thông thường các bạn nhận làm việc với vai trò này nhưng lại chưa rõ mình sẽ được hưởng những quyền lợi gì, mình có được pháp luật bảo vệ không khi chẳng may người sử dụng lao động xâm phạm quyền lợi của mình…
Vì vậy, bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc trên cho các bạn. Bài viết sẽ diễn giải các vấn đề của hợp đồng cộng tác viên theo 2 khía cạnh. Đó là theo Bộ luật lao động 2012 và Bộ luật dân sự 2005.
A. Theo Bộ luật lao động 2012
Hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng lao động và tùy theo thời hạn ký kết hợp đồng mà xác định đó là hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng), hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Như vậy, tùy theo loại hợp đồng lao động mà người lao động được hưởng những quyền lợi nhất định.
I. Đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng: Xem chi tiết tại đây.
II. Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, không xác định thời hạn
1. Về việc ký kết hợp đồng lao động
Khi ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn cần phải lưu ý vấn đề sau:
Hết thời hạn hợp đồng lao động mà vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, 02 bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.
Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Nếu đã ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
2. Mẫu hợp đồng lao động
Không bắt buộc phải theo mẫu nhất định nào. Tuy nhiên, mẫu hợp đồng lao động vẫn phải đảm bảo có đủ các nội dung sau:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.
- Công việc và địa điểm làm việc.
- Thời hạn của hợp đồng lao động.
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Chế độ nâng bậc, nâng lương.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Dưới đây là một số mẫu hợp đồng, các bạn có thể tham khảo:
- Hợp đồng lao động dành cho đối tượng cộng tác viên
- Hợp đồng lao động
3. Những quyền lợi được hưởng
- Không bị đuổi việc một cách vô cớ, không có lý do chính đáng.
- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, và ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định.
- Người sử dụng lao động phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và người lao động ký kết 01 trong 02 loại hợp đồng này được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản, ốm đau, hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Đối với lao động nữ được hưởng các chính sách như được nghỉ 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 3 ngày làm việc trong 01 tháng trong thời gian hành kinh, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút để nghỉ ngơi, vắt, trữ sữa, cho con bú…
- Được hưởng tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định pháp luật (xem chi tiết lương tối thiểu vùng hiện nay).
- Khi có tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động xảy ra, đây là cơ sở để Tòa án căn cứ giải quyết bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
4. Về nghĩa vụ của người lao động
- Phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân.
- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất:
+ Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn: 45 ngày.
+ Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn:
03 ngày làm việc với trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ¼ thời hạn hợp đồng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
30 ngày đối với các trường hợp còn lại.
5. Thời gian thử việc
Tùy vào trình độ và khả năng chuyên môn của người lao động mà thời gian thử việc được quy định như sau:
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
Lưu ý: Thời gian thử việc, người lao động phải được hưởng tối thiểu 85% mức lương chính thức của công việc đó.
6. Một số chế tài dành cho người sử dụng lao động nếu vi phạm
Xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền hay buộc khắc phục hậu quả:
- Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với công việc có thời hạn trên 03 tháng hoặc không giao kết đúng loại hợp đồng lao động: 500.000 – 20.000.000 đồng.
- Thử việc quá 01 lần hoặc quá thời gian quy định, hoặc mức lương thử việc thấp hơn quy định: 2.000.000 – 5.000.000 đồng.
- Không trả lương đúng thời hạn: 5.000.000 – 50.000.000 đồng.
- Trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng: 20.000.000 – 75.000.000 đồng.
- Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh: 500.000 – 1.000.000 đồng.
- Không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho người lao động: 18 - 20% tổng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng...
Có thể xem chi tiết tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Xử lý hình sự
- Buộc người lao động thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm.
Xem chi tiết tại Bộ luật hình sự 1999.
Như vậy, theo khía cạnh này, pháp luật thiên về hướng bảo vệ quyền lợi của cộng tác viên hơn người sử dụng lao động là cộng tác viên. Quyền lợi của cộng tác viên được bảo đảm với tư cách là người lao động.
B. Theo Bộ luật dân sự 2005
Hợp đồng cộng tác viên được xem là hợp đồng dịch vụ, trong đó, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ này.
1. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ (bên thuê cộng tác viên)
- Phải cung cấp cho cộng tác viên những thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để làm việc và trả tiền cho cộng tác viên theo thỏa thuận.
- Đồng thời có quyền yêu cầu cộng tác viên phải hoàn thành đúng số lượng, chất lượng, thời hạn công việc được giao.
- Trong trường hợp phía cộng tác viên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã giao kết thì bên thuê cộng tác viên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng này và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Quyền và nghĩa vụ của bên cộng tác viên
- Thực hiện công việc đúng số lượng, chất lượng, thời hạn được giao,.
- Không được giao cho người khác thực hiện thay mình trừ trường hợp bên thuê cộng tác viên đồng ý.
- Phải bảo quản và giao lại các tài liệu, phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
- Báo ngay cho bên thuê cộng tác viên về thông tin, tài liệu, phương tiện không đủ dẫn đến không đảm bảo hoàn thành đúng số lượng, chất lượng và thời hạn công việc được giao.
- Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
- Được thay đổi điều kiện làm việc, công việc… vì quyền lợi của bên thuê cộng tác viên mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê, nếu chờ thì sẽ gây thiệt hại cho bên thuê, nhưng phải báo ngay cho bên thuê.
- Được quyền yêu cầu bên thuê cộng tác viên trả tiền.
3. Trả tiền cho cộng tác viên
- Theo thỏa thuận giữa đôi bên.
- Nếu không thỏa thuận sẽ căn cứ vào giá thị trường tại cùng thời điểm giao kết hợp đồng.
- Bên thuê cộng tác viên phải trả tiền dịch vụ này tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành công việc nếu không có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp phía cộng tác viên không đảm bảo đúng số lượng, chất lượng và thời hạn công việc được giao thì bên thuê có quyền giảm tiền này và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Mẫu hợp đồng cung ứng dich vụ
Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng là công việc phải làm.
- Số lượng, chất lượng.
- Giá, phương thức thanh toán.
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.
- Quyền, nghĩa vụ của các bên.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các nội dung khác.
5. Đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Nếu tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cộng tác viên biết trước một thời gian hợp lý.
Đồng thời, bên thuê phải trả tiền phần công việc đã thực hiện cho cộng tác viên và bồi thường thiệt hại.
- Nếu bên thuê không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc không đúng theo thỏa thuận thì bên cộng tác viên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
6. Thời hạn thực hiện hợp đồng
Nếu đã kết thúc thời hạn hợp đồng mà công việc chưa hoàn thành hoặc bên cộng tác viên vẫn tiếp tục thực hiện công việc, còn bên thuê biết nhưng không phản đối thì hợp đồng đương nhiên được tiếp tục theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.
7. Nghĩa vụ về thuế
Trong trường hợp cung ứng dịch vụ của mình, cộng tác viên phải thực hiện nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân, trong đó là thuế thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ.
Tuy nhiên, thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động cung ứng dịch vụ này.
(Theo Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014)
8. Vi phạm thực hiện hợp đồng
Trong trường hợp vi phạm hợp đồng, bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng, mà không bị xử lý hành chính, xử lý hình sự.
Như vậy, theo khía cạnh này, quyền lợi và nghĩa vụ của bên thuê cộng tác viên và bên cộng tác viên là ngang nhau, không thiên về bên nào.