Nhiều sinh viên ra trường mặc dù có kiến thức và kỹ năng tốt nhưng vẫn bị loại vì những câu hỏi khó nhằng từ nhà tuyển dụng. Mình xin điểm qua một số câu hỏi thường gặp mà khi đi phỏng vấn các mem Luật thường gặp
1. Hãy nói về bản thân bạn
Mở đầu buổi phỏng vấn luôn luôn là câu hỏi này, nên hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng để tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng đang hỏi để đánh giá mức độ phù hợp của bạn với vị trí công việc, vì vậy hãy chuẩn bị những câu trả lời về bạn nhưng gắn với công việc, thay vì những vấn đề cá nhân.
Bạn chỉ nên trả lời những vấn đề thuộc về cuộc sống, sở thích cá nhân khi nhà tuyển dụng thực sự đi sâu và muốn tìm hiểu
2. Điều gì là động lực khiến bạn ứng tuyển vị trí này?
Tránh những câu trả lời như “lương cao”, “công ty uy tín”,.. thay vào đó hãy nói về môi trường làm việc tốt, khuyến khích học hỏi, năng động, sáng tạo,..
3. Bạn đã từng làm việc ở đâu chưa?
Đối với các công ty Luật, có lẽ vấn đề thành tích bạn có được ở trường Đại học không quan trọng bằng kinh nghiệm trước đây bạn có được. Do đó, nếu bạn đã từng Thực tập hoặc làm việc tại các công ty Luật hoặc cơ quan nhà nước sẽ là một lợi thế. Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải tự tin khi nói về những gì bạn đã làm và tích lũy được trước đây
4. Vì sao bạn nghỉ việc ở nơi làm cũ?
Hãy đưa ra những câu trả lời mang tính tích cực, ví dụ như: tôi muốn theo đuổi đam mê mới, tìm kiếm cơ hội mới,..
Không bao giờ được nói xấu công ty cũ, sếp cũ, chê bai về chế độ đãi ngộ. Tóm lại, cho dù bạn nghỉ việc với bất cứ lý do gì, hãy miêu tả nó với nhà tuyển dụng theo một cách tích cực nhất có thể
5. Bạn có nghĩ mình thành công?
Tất nhiên là CÓ. Thành công không có nghĩa là bạn vượt lên tất cả mọi người, vì vậy hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn đã có những thành công gì và nếu cần thiết, có thể giải thích cho họ lý do bạn coi đó là thành công
6. Bạn học tốt môn học nào nhất ở trường Đại học?
Khi nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này không đơn giản để biết bạn yêu thích môn học nào mà là để đánh giá trình độ chuyên môn của bạn có phù hợp với công việc. Vì thế, hãy cho Nhà tuyển dụng thấy chuyên môn của bạn ở lĩnh vực nào. Ví dụ như: Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự, Tố tụng,…
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên giỏi những môn học chuyên ngành. Tuy nhiên, hãy ôn lại một số kiến thức của những môn học này vì có thể sẽ có một vài câu hỏi kiểm tra trình độ chuyên môn.
7. Phương tiện di chuyển của bạn là gì?
Dù là một tiểu tiết nhỏ, nhưng với đặc thù công việc của công ty Luật phải thường xuyên ra ngoài gặp khách hàng, làm việc với các cơ quan nhà nước, giao, nhận hồ sơ. Việc bạn có phương tiện di chuyển như xe máy và thông thuộc đường xá sẽ là một điểm cộng rất lớn
8. Điểm mạnh của bạn là gì?
Đối với câu hỏi này, bạn cần phải chuẩn bị thật tốt và phải gắn với công việc mà bạn đang nộp đơn. Hãy nêu tất cả các điểm bạn thật sự mạnh và hiệu quả mà bạn mang lại đối với công việc trên. Đồng thời, đừng quên đưa ra những ví dụ mà bạn đã thực hiện được đối với công việc trước đó
9. Điểm yếu của bạn là gì?
Ai gặp câu hỏi này cũng có vẻ hơi bối rối, bởi không phải ai cũng nhìn nhận rõ được mình có những thiếu sót như thế nào.
Khi gặp câu hỏi này, bạn không nên trả lời ngay lập tức, cũng không nên nói ra một loạt các điểm yếu, cũng không nên khẳng định mình không có điểm yếu nào. Cách xử lý tốt nhất cho câu hỏi này chuẩn bị sẵn một vài điểm yếu những cũng có ẩn chứa điểm mạnh trong đó. Các câu trả lời khôn khéo sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng
10. Khả năng chịu áp lực công việc của bạn như thế nào?
Áp lực ở mức độ phù hợp sẽ mang lại hiệu quả công việc tối đa. Hãy chon nhà tuyển dụng biết là bạn có thể làm việc có áp lực, và quan trọng hơn là bạn có thể làm việc hiệu quả dưới áp lực đó
11. Kỳ vọng của bạn đối với công việc là gì?
Hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn đang dần làm quen với công việc, do vậy những kỳ vọng là điều kiên làm việc tốt đẹp, khuyến khích sự phát triển của công ty và nghề nghiệp của chính bạn. Bạn cũng có thể kỳ vọng vào những công việc mang lại cho bạn sự hứng thú và phấn khởi để thuyết phục nhà tuyển dụng
12. Bạn có cần hỏi tôi điều gì không?
Hãy chuẩn bị sẵn các câu hỏi và thẳng thắn đưa ra các vấn đề để trao đổi xung quanh công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Hãy tỏ ra lắng nghe và hiểu rõ rang câu trả lời, đừng hấp tấp vội vàng nếu như bạn cảm thấy có những điểm chưa hợp ý bạn
Trên đây là một số thường xuyên gặp, có muôn vàn cách mà nhà tuyển dụng đưa ra để làm khó các ứng viên. Điều quan trọng khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn là phải tự tin, thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy mục tiêu của bạn sự phù hợp của bạn với công việc.