Những bất cập về miễn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tự nguyện hòa giải theo BLHS năm 2015

Chủ đề   RSS   
  • #562823 17/11/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Những bất cập về miễn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp tự nguyện hòa giải theo BLHS năm 2015

    Tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

    NGUYỄN HỮU ĐỨC (Tòa án quân sự khu vực - Quân khu 1) - Thỏa thuận miễn TNHS được ghi nhận lần đầu tiên tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS). Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay việc áp dụng còn nhiều bất cập và chưa được thống nhất. Do đó tác giả đưa ra một số quan điểm để hoàn thiện chế định miễn TNHS trong trường hợp nguyện hòa giải.

    Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là chế định nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam. Quy định này nhằm hạn chế việc áp dụng chế tài của luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Áp dụng đúng chế định này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

    Thỏa thuận miễn TNHS được ghi nhận lần đầu tiên tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS). Mặc dù là một quy định mới, tuy nhiên quy định miễn TNHS khi các bên tự nguyện hòa giải đã cho thấy tính thiết thực và tích cực trong quá trình áp dụng vào trong thực tiễn. Nhiều trường hợp phạm tội, ngay sau khi BLHS 2015 được thông qua, người thực hiện hành vi phạm tội nếu đáp ứng được các tiêu chí mà luật hình sự quy định, thì có thể được xem xét áp dụng quy định về miễn TNHS theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, do mới được quy định nên trong thực tiễn áp dụng nhiều vướng mắc cần được hướng dẫn một cách chi tiết từ phía cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay việc áp dụng còn nhiều bất cập và chưa được thống nhất. Do đó tác giả đưa ra một số quan điểm để hoàn thiện chế định miễn TNHS trong trường hợp nguyện hòa giải.

     1.Quy định rõ tiêu chí

    Thực tiễn hiện nay BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định tiêu chí chung về miễn TNHS trong trường hợp hòa giải cụ thể như: Việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội, mức độ của việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả của người phạm tội, đây là các tiêu chí đánh giá để cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) xem xét “có thể” miễn hay không miễn  TNHS cho người phạm tội. Điều này có thể dẫn tới áp dụng pháp luật tùy tiện, không công bằng, thậm chí có thể xảy ra trường hợp tiêu cực trong việc miễn TNHS, dẫn tới thiếu sự khách quan trong việc áp dụng quy định và không đảm bảo được yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

    Hiện nay, việc chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn tới việc áp dụng quy định chưa có sự thống nhất trong các CQTHTT. Nhiều trường hợp cho thấy, người phạm tội đã thỏa mãn tất cả các căn cứ và điều kiện để được miễn TNHS theo quy định tại khoản 3 Điều 29, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền vì một nguyên nhân nào đó lại không cho miễn TNHS theo đúng quy định. Do vậy việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể về “tiêu chí” về trường hợp được miễn TNHS sẽ nâng cao hiệu quả và bảo đảm được ý nghĩa nhân văn của quy định trên.

    2.Bổ sung quy định “người đại diện hợp pháp” của người bị hại tự nguyện hòa giải

    Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về đại diện hợp pháp bao gồm: đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Trong trường hợp đại diện theo pháp luật thì tại khoản 1 Điều 136 BLDS 2015 thì đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên là “Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.”

    Như vậy có thể thấy theo quy định trên thì cha, mẹ đều là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên. Điều đó có nghĩa là cha, mẹ đều có quyền ngang nhau để đại diện cho con để bảo về quyền và lợi ích cho con. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định trong trường hợp có sự tranh chấp giữa những người đại diện theo pháp luật đối với trường hợp đề nghị miễn TNHS khi người phạm tội đề nghị được hòa giải.

    Thực tế trong các vụ án mà người phạm tội nghiêm trọng với lỗi vô ý, phổ biến nhất hiện nay là các vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” gây chết người, khi người thực hiện tội phạm thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả và được một trong những người đại diện hợp pháp chấp nhận hòa giải, nhận tiền bồi thường thiệt hại và viết đơn đề nghị miễn TNHS nhưng người đại diện hợp pháp của bị hại còn lại (ví dụ: Hoặc là cha hoặc là mẹ của người chưa thành niên) không nhất trí hòa giải và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội dẫn đến cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn lúng túng, không thể áp dụng miễn TNHS theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015.

    Tuy nhiên theo quan điểm của tác giả có thể hiểu rằng BLHS quy định “Người đại diên hợp pháp” của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS bao gồm sự đồng ý của tất cả những người “đại diện hợp pháp” của người bị hại vì có thể thấy trong trường hợp trên quyền của cha, mẹ của trẻ vị thành niên là như nhau do đó khi áp dụng hoặc không áp dụng miễn TNHS đều ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người đại diện còn lại. Do đó cần hướng dẫn cụ thể về người đại diện hợp pháp trong trường hợp người bị hại có nhiều người đại diện hợp pháp.

    3.Điều kiện về bồi thường thiệt hại

    Tại khoản 3 Điều 29 BLHS quy định về điều kiện người thực hiện phải bồi thường thiệt hại như một điều kiện bắt buộc để người đó được xem xét miễn TNHS hay không. Tuy nhiên thực tế trong các vụ án có người phạm tội lại là vợ, chồng, con hoặc người thân… của bị hại. Sau khi các bên tự hòa giải, không yêu cầu bồi thường thiệt hại và bị hại đề nghị miễn TNHS thì việc bắt buộc bồi thường thiệt hại là chưa hợp lý.

    Ví dụ: Trong vụ án người phạm tội là người chồng và bị hại là vợ. Sau khi hai bên tự hòa giải và có đơn đề nghị miễn TNHS  thì theo quy định trên thì người chồng bắt buộc phải bồi thường cho vợ mới đủ điều kiện để miễn TNHS trong khi tài sản của người chồng trong thời kỳ hôn nhân lại là tài sản chung của vợ chồng, do đó việc bồi thường trong trường hợp trên là không cần thiết… Theo quan điểm của tác giả thì cần bổ sung thêm quy định trong trường hợp bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại, tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì người phạm tội cũng đủ điều kiện để miễn TNHS.

    4.Quy tắc miễn TNHS

    Một là, việc hòa giải giữa các bên phải trên cơ sở tự nguyện, nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh do hành vi phạm tội gây ra. Theo đó, người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tham gia hòa giải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không trái với ý muốn, không bị bắt buộc, đe dọa hay cưỡng ép. Khi người bị hại tự nguyện tham gia hòa giải có nghĩa là họ đã chọn cách thức giải quyết các vấn đề phát sinh do hành vi phạm tội bằng việc thương lượng, thỏa thuận với người đã gây ra thiệt hại cho chính họ. Thông qua phiên hòa giải mà các bên hoàn toàn tự do về mặt ý chí và tự do về việc bày tỏ ý chí giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên

    Hai là, nội dung hòa giải giữa các bên không được trái quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Mặc dù việc hòa giải được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí của các bên, tuy nhiên sự tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội là yêu cầu bắt buộc, để đảm bảo trật tự trong mọi lĩnh vực của đời sống. Theo đó, đạo đức xã hội là hệ thống quy tắc chuẩn mực xã hội đã được thừa nhận và tôn trọng, theo đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội.

    5.Quy định về “trọng tài”

    Hiện nay BLHS, BLTTHS và các văn bản có liên quan đều chưa quy định về người đứng giữa hay còn gọi là “trọng tài” trong việc hòa giải. Việc hòa giải giữa các bên hiện nay đều do hai bên tự dàn xếp thỏa thuận dẫn tới nhiều hệ lụy như: Người bị hại hoặc người thân của người bị hại bị đe dọa, mua chuộc…, các thỏa thuận trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức xã hội hoặc sau khi thống nhất về mức bồi thường thiệt hại, thống nhất về việc đề nghị miễn TNHS thì một trong hai bên đổi ý không tiến hành những việc trong thỏa thuận (Ví dụ: “Ngày 03/02/2020, A điều khiển xe ôtô BKS 99A- 26x.xx đi theo hướng Quốc lộ 1 về hướng TP Bắc Giang do trời mưa to không làm chủ tốc độ, xử lý tình huống kém, dẫn đến xe mất lái lao lên vỉa hè bên phải và đâm vào Nguyễn Văn B, đang đứng trên vỉa hè khiến Nguyễn Văn B tử vong tại chỗ. Sau tai nạn A đã tự nguyện hỗ trợ cho gia đình bị hại tổng số tiền một lần là 100.000.000 đồng. Đại diện gia đình bị hại đã thống nhất hòa giải và nhận đủ tiền bồi thường là 100.000.000 đồng nhưng sau đó lại không viết đơn xin miễn truy cứu TNHS cho A). Việc xuất hiện “trọng tài” người được trao quyền đánh giá quá trình hòa giải của các bên, đánh giá được sự ăn năn hối cải của người phạm tội, đánh giá được sự “tự nguyện” sửa chữa, bồi thường thiệt hại, kiểm soát được tính tuân thủ pháp luật trong nội dung thỏa thuận của các bên, từ đó bảo đảm được tính chính xác và đúng đắn quyết định miễn TNHS, đảm bảo được mục đích răn đe, giáo dục người phạm tội của Luật hình sự và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

    Bên cạnh đó, việc quy định về người có thẩm quyền tham gia điều tiết phiên hòa giải, góp phần quan trọng trong việc quy định về trình tự, thủ tục áp dụng, đảm bảo tính khoa học, hợp lý trong việc xây dựng và tính khách quan trong thực tiễn thi hành, qua đó đáp ứng yêu cầu chặt chẽ, nghiêm ngặt về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án của Luật Tố tụng hình sự.

    Theo quan điểm của tác giả việc quy định về hòa giải miễn TNHS phải được thực hiện tại Tòa án dưới sự hướng dẫn của Thẩm phán vì quy định như vậy sẽ giúp việc hòa giải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, bảo đảm được tính khách quan, tự nguyện của các bên tham gia hòa giải./.

     

    Theo Tạp chí tòa án

     

     
    2175 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MinhPig vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (17/11/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận