Các bạn nên hiểu, pháp luật song song với mục đích làm xã hội tốt lên là mục đích răn đe, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi của các đối tượng bằng các chế tài.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu chế tài đặt ra có đủ tương xứng với mỗi hành vi vi phạm pháp luật, có đủ tác dụng răn đe hay không, đây là một câu hỏi lớn đối với công tác lập pháp trên toàn thế giới.
Vụ việc 10 năm oan sai vừa qua là một ví dụ kinh điển, ta phân tích nó để nhìn nhận ra vấn đề lập pháp ở đây thực sự bất cập, cả ở mức bồi thường và quy định về trách nhiệm.
Về mức bồi thường ở đây mọi người đều rõ: không thể có chuyện 10 năm oan sai mà chỉ nhận có hơn 500 triệu được. Quy định tổn thất về tinh thần chưa được xem xét thấu đáo, và tổn thất này là tổn thất vô giá khó có thể quy thành tiền chứ chưa nói đến việc quy đổi "rẻ" như hiện hành. (1)
Về trách nhiệm bồi thường ở đây là điều bất cập: người thi hành công vụ gây oan sai là lỗi của họ thì tại sao lại lấy tiền của dân (ngân sách) mang ra bồi thường, trong khi phần hoàn trả của người thi hành công vụ được quy định tối đa chỉ 36 tháng lương. (2)
Chính điều thứ hai này đã khiến cho chế tài không đủ răn đe, do vậy không đạt mục đích phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sai trái. Người thi hành công vụ được Nhà nước "bao cấp, bảo hiểm" cho gần như hết, nên sinh ra nhờn với luật.
Trong khi đó thì quy định về tử hình vẫn giữ nguyên chưa bỏ.
Kiến nghị:
1. Nâng mức bồi thường lên đến mức chấp nhận được.
2. Người thi hành công vụ phải hoàn trả cơ quan, tổ chức của mình toàn bộ hoặc tối thiểu 2/3 số tiền bồi thường; phong toả mọi tài khoản của họ trước khi số tiền được hoàn đù; và mọi biện pháp truy thu thích hợp.