NHỮNG BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU - BÀI 1 (tác giả: TranVoThienThu)

Chủ đề   RSS   
  • #340245 21/08/2014

    minh25252001
    Top 500
    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:13/09/2010
    Tổng số bài viết (120)
    Số điểm: 2217
    Cảm ơn: 4
    Được cảm ơn 18 lần


    NHỮNG BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU - BÀI 1 (tác giả: TranVoThienThu)

    Theo qui định tại điều 159 sửa đổi của BLTTDS thì các tranh chấp về QSDĐ, về quyền sỡ hữu tài sản, về đòi tài sản... đã không còn áp dụng thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, trong xã hội còn nhiều tranh chấp dân sự khác nhưng do điều 168 sửa đổi của BLTTDS không qui định trả đơn kiện trong trường hợp hết thời hiệu khiến nhiều người tưởng rằng vấn đề thời hiệu đã được bãi bỏ hoàn toàn. Đó là cách hiểu không toàn diện bởi tuy tòa không trả đơn, vẫn thụ lý nhưng có thể vụ án sẽ bị đình chỉ vì điều 192 sửa đổi của BLTTDS vẫn còn qui định đình chỉ trong trường hợp hết thời hiệu và nếu bị đình chỉ thì đương sự sẽ vĩnh viễn không còn quyền được khởi kiện lại như qui định tại điều 193 sửa đổi của BLTTDS. Như vậy, BLTTDS sửa đổi có sự khác biệt là dù đương sự hết thời hiệu nhưng Tòa không được trả đơn mà phải thụ lý, sau đó tùy diễn biến cụ thể mà Tòa đưa ra xét xử hay đình chỉ. Việc này chưa thấy có Văn bản hướng dẫn cụ thể ( không rõ trong tập huấn hoặc tọa đàm chuyên ngành có hướng dẫn hay không ) nên hoàn toàn phụ thuộc vào bãn lĩnh và lương tâm, đạo đức của Thẩm phán giải quyết vụ án. Xin nêu một vài ví dụ :

    1- Ví dụ 1 : Ông A mất năm 2001, năm 2012 con ông là B mới khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Tuy đã hết thời hiệu 10 năm nhưng áp dụng điều 159 sửa đổi của BLTTDS, tòa không trả đơn cho B mà vẫn thụ lý. Sau đó Thẩm phán giải quyết vụ việc có 2 chọn lựa đều đúng Luật :
    - Ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo qui định tại điểm h điều 192 sửa đổi của BLTTDS.
    - Triệu tập bị đơn tới lấy lời khai, cho đối chất, hòa giải.... trong quá trình đó nếu nội dung lời khai của bị đơn ( cũng là một trong những nguồn chứng cứ ) đã thỏa mãn điều kiện cần và đủ thì chuyển quan hệ pháp luật từ chia thừa kế sang chia tài sản chung theo qui định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP.

    2- Ví dụ 2 : A và B ký một Hợp đồng đặt cọc, theo đó B nhận cọc của A 500 triệu đồng để đảm bảo cho việc ngày 01/3/2010 hai bên ra Phòng công chứng ký Hợp đồng B chuyển nhượng cho A 500m2 đất. Sau đó B không thực hiện nghĩa vụ, hai bên cũng không có thỏa thuận gì khác nên tháng 9/2012 A khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc với B. Tuy đã hết thời hiệu 02 năm ( hết thời hiệu từ ngày 02/3/2012 ) như qui định tại điều 427 BLDS nhưng áp dụng điều 159 sửa đổi của BLTTDS, tòa không trả đơn cho B mà vẫn thụ lý. Sau đó Thẩm phán giải quyết vụ việc có 2 chọn lựa đều đúng Luật :
    - Ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo qui định tại điểm h điều 192 sửa đổi của BLTTDS.
    - Triệu tập B tới lấy lời khai, chỉ cần B thừa nhận có nhận cọc 500 triệu của A và hứa khi nào có tiền sẽ trả lại cho A thì lời khai này đã là chứng cứ để bắt đầu lại thời hiệu và Thẩm phán dựa vào đó để đưa vụ án ra xét xử chứ không đình chỉ.

    Rõ ràng dù đình chỉ hay tìm chứng cứ để đưa vụ án ra xét xử thì cũng có một bên bị thiệt hại quyền lợi. Nếu thẩm phán có lương tâm, đạo đức để xử lý đúng bản chất vụ việc thì quá tốt, đúng với tinh thần sửa đổi của Pháp luật ( như ở ví dụ 1 Thẩm phán chọn lựa cách thứ 2 ), bằng ngược lại thì hậu quả cũng rất xấu ( như ở ví dụ 2 mà Thẩm phán chọn lựa cách 1 ). Cá nhân tôi cho rằng Pháp luật không nên qui định "hàng hai" cái nào cũng đúng vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho "tiêu cực hợp pháp" bởi muốn bảo vệ ai thì Thẩm phán cũng không sai luật. Tuy nhiên, so với BLTTDS cũ thì BLTTDS sửa đổi có tiến bộ hơn ở chổ người bị hết thời hiệu vẫn còn cơ hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

     

     

    BÀI 2 : THIẾU SÓT TỪ ĐẦU NHƯNG CÓ LỢI HƠN VỀ THỜI HIỆU !

    Ngày 24/12/2009 Ông H và Bà T ký hợp đồng đặt cọc, theo đó Ông H đặt cọc 500 triệu để đảm bảo cho việc ngày 30/12/2009 bà T sẽ ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho ông, nếu tới ngày 30/12/2009 bà T không thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ thì ngoài việc trả lại 500 triệu tiền cọc còn phải chịu khoản 750 triệu phạt cọc cho ông H, ngược lại nếu ông H đổi ý không nhận chuyển nhượng thì bị mất 500 triệu tiền đặt cọc. Đối chiếu với các qui định thì Hợp đồng đặt cọc giữa ông H và bà T là hoàn toàn đúng pháp luật. Nhưng tới hạn mà bà T không thực hiện nghĩa vụ, ông H phần không hiểu Luật, phần bị bà T hứa hẹn ngọt nhạt bằng miệng, tới nay ông mới khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc thì rơi vào trường hợp hết thời hiệu ( theo qui định tại điều 427 BLDS ) có nguy cơ bị đình chỉ vụ án như bài trước đã phân tích.

    Cùng ngày 24/12/2009, ông Th cũng ký một hợp đồng đặt cọc với bà T, nội dung chỉ khác ( do ông Th không biết để yêu cầu ) là hai bên không thỏa thuận thời hạn bà T phải thực hiện nghĩa vụ ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho ông Th. Rõ ràng đó là một thiếu sót so với Hợp đồng đặt cọc của ông H. Tháng 4/2012 ông Th có ý định khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc này và được người hỗ trợ pháp lý hướng dẫn ( căn cứ theo khoản 2 điều 285 BLDS ) gởi một Thông báo bằng văn bản cho bà T yêu cầu trong thời hạn 01 tháng phải thực hiện nghĩa vụ ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, Thông báo được gởi bằng bưu điện chuyển phát nhanh có báo phát và thông qua Thừa phát lại. Hết thời hạn 01 tháng bà T không trả lời, coi như bà ta đã từ chối thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình, tức đã vi phạm Hợp đồng đặt cọc, đó là lý do để ông Th khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc và bà T phải bồi thường thiệt hại. Với chứng cứ là giấy báo phát của bưu điện và Vi bằng tống đạt của Thừa phát lại, yêu cầu khởi kiện của ông Th đã được tòa chấp nhận.

    Như vậy rõ ràng tuy Hợp đồng đặt cọc của ông H đúng pháp luật hơn nhưng khi hết thời hiệu, cơ hội để ông H bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình chỉ là 50%, trong khi Hợp đồng đặt cọc của ông Th có thiếu sót nhưng cơ hội bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình là 100%.
     
     

    Bài 3 : MỘT SỐ BẤT CẬP KHÁC.

    1- Điều 136 BLDS qui định thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu từ các điều 130 tới 134 BLDS là 02 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Như vậy giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối ( điều 132BLDS ) cũng bị điều chỉnh bởi qui định tại điều 136 BLDS. Thực tế có rất nhiều trường hợp bị lừa dối mà trong 02 năm không thể phát hiện để yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu. Ví dụ A đặt cọc cho B 300 triệu để đảm bảo cho việc 03 năm sau B phải làm thủ tục chuyển nhượng cho A 500m2 đất, tuy nhiên 03 năm sau A mới phát hiện B lừa dối vì thực tế từ trước khi nhận cọc, đất của B đã nằm trong dự án qui hoạch, không cho chuyển nhượng. A muốn yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu giao dịch đặt cọc nhưng đã hết thời hiệu !?

    2- Điều 121 BLDS qui định giao dịch dân sự là Hợp đồng dân sự ( hợp đồng đặt cọc chẳng hạn ) hoặc hành vi pháp lý đơn phương ( ví dụ hành vi lập di chúc ) làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy Hợp đồng dân sự cũng là giao dịch dân sự, nhưng thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự lại qui định là 02 năm kể từ ngày quyền, lợi ích bị xấm phạm ( điều 427 BLDS ), rõ ràng qui định này đã khác với qui định về thời hiệu của giao dịch dân sự ( 02 năm kể từ ngày xác lập giao dịch ). Sự bất cập này dẫn tới tình trạng hợp đồng đặt cọc mà tôi ví dụ ở phần 1 nếu kiện yêu cầu tòa tuyên vô hiệu giao dịch dân sự thì hết thời hiệu, trong khi khởi kiện về hợp đồng dân sự thì lại còn thời hiệu.

    3- Ngoài thực tế tòa vẫn thường áp dụng điều 427 BLDS khi giải quyết các vụ án liên quan tới giao dịch dân sự, bởi điều này tương ứng với qui định tại điều 159 sửa đổi BLTTDS là thời hiệu bắt đầu từ thời điểm quyền, lợi ích bị xâm phạm.

     

    Luật sư Đoàn Minh Quân

    0903455478

     
    6751 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận