Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Theo như thông tin bạn cung cấp, bà A yêu cầu tài xế chở lâm sản – gỗ (9,368 m3) bằng xe ô tô là tài sản chung của bà và ông B, bị cơ quan kiểm lâm bắt và tạm giữ tang vật, phương tiện. Bạn thắc mắc trong trường hợp này, cơ quan Kiểm lâm xử lý đúng quy định pháp luật hay chưa, và ngoài việc bị tạm giữ tang vật, phương tiện như vậy thì trường hợp này có bị áp dụng thêm biện pháp bổ sung nào hay không?
Đối với những thông tin bạn cung cấp, tôi xin tư vấn như sau:
Không xét đến việc vận chuyển lâm sản trong trường hợp này có đúng với quy định pháp luật hay không, vì thông tin bạn cung cấp chưa đủ cơ sở để xác định. Mà xét theo việc cơ quan kiểm lâm đã cho rằng đây là hành vi trái quy định pháp luật nên đã có biện pháp xử lý là tạm giữ tang vật và phương tiện.
Như vậy, hành vi vận chuyển lâm sản này thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Điều 3 khoản 2 (đã được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 41/2017/NĐ-CP) và khoản 6 Nghị định này quy định:
Điều 3: Giải thích từ ngữ
2. Lâm sản là sản phẩm thực vật, động vật và các bộ phận, dẫn xuất của chúng có nguồn gốc khai thác từ rừng.
6. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm:
a) Lâm sản khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh trái quy định của pháp luật.
b) Công cụ, đồ vật sử dụng thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
c) Phương tiện gồm: Các loại xe cơ giới đường bộ, xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, súc vật, tàu thủy, ca-nô, thuyền, các phương tiện khác được sử dụng vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Và việc vận chuyển lâm sản trái pháp luật được giải thích cũng như quy định biện pháp xử lý tại Điều 22 Nghị định này. Vì thông tin bạn cung cấp chưa nêu rõ gỗ đang được vận chuyển trong trường hợp này có là loại gỗ nguy cấp, quý, hiếm hay không. Nên nếu đây không phải là gỗ nguy cấp, quý, hiếm thì sẽ thuộc vào trường hợp quy định tại Khoản 5 điểm d Điều này. Còn nếu đây là loại gỗ nguy cấp, quý, hiếm sẽ thuộc vào trường hợp quy định tại Khoản 7 điểm d Điều này
Điều 22. Vận chuyển lâm sản trái pháp luật
Người có hành vi vận chuyển lâm sản (bao gồm từ thời điểm tập kết lâm sản để xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
d) Gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ trên 6 m3 đến 10 m3.
7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có tang vật vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
d) Gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA từ trên 7 m3 đến 10 m3.
Ngoài ra, nếu vi phạm quy định tại Khoản 5 và Khoản 7 Điều này thì còn có thể bị áp dụng các biện pháp bổ sung như tịch thu tang vật và phương tiện.
11. Hình thức xử phạt bổ sung
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10 Điều này (trừ trường hợp gỗ có hồ sơ và nguồn gốc hợp pháp nhưng khối lượng gỗ thực tế vượt quá sai số cho phép theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
b) Tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10 Điều này (trừ trường hợp quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định này), thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vận chuyển gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 1,5 m3 trở lên; gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 0,5 m3 trở lên.
Theo quy định tại điểm a Khoản 11 trên đây, trường hợp gỗ có hồ sơ và nguồn gốc hợp pháp nhưng khối lượng gỗ thực tế vượt quá sai số cho phép theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì mặc dù đã vi phạm các Khoản 5 và 7 Điều 22 vẫn sẽ không bị tịch thu tang vật. Đối với việc tịch thu phương tiện, theo điểm b Khoản này, chỉ không bị tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1 đến Khoản 10 khi thuộc trường hợp quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định này. Cụ thể:
Điều 3, khoản 7:
7. Phương tiện bị người vi phạm hành chính chiếm đoạt trái phép là trường hợp phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp bị người có hành vi vi phạm hành chính trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt, lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công khai chiếm đoạt (công nhiên chiếm đoạt) hoặc các hành vi trái pháp luật khác tước đoạt quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng của chủ sở hữu hợp pháp phương tiện đó.
Điều 3, Khoản 8:
8. Phương tiện bị người vi phạm sử dụng trái phép là trường hợp chủ sở hữu hợp pháp, người quản lý hợp pháp hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện cho người khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện hoặc giao phương tiện cho người lao động của mình điều khiển để sử dụng vào mục đích hợp pháp, nhưng người được thuê, được mượn phương tiện hoặc người được giao điều khiển phương tiện đó đã tự ý sử dụng phương tiện để vi phạm hành chính.
Nhưng xét thấy, trường hợp này của bạn không thuộc vào trường hợp không bị tịch thu phương tiện. Vì vậy, cơ quan Kiểm lâm tạm giữ phương tiện của bà A là đúng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của tôi đối với trường hợp của bạn.
(Chuyên viên)
LUẬT SƯ NGUYỄN THẠCH THẢO - ĐÒAN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN THẠCH THẢO
ĐC: 4/63 - QUANG TRUNG - PHƯỜNG 10 - QUẬN GÒ VẤP - TP.HCM ( Cách Ngã 6 Gò Vấp 100m. Hẽm đầu tiên bên phải)
ĐTDĐ: 0989046966
ĐTVP: (08).38940903
EMAIL: lsthachthao@yahoo.com
TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRỰC TIẾP TẠI VP HOẶC QUA ĐIỆN THOẠI THƯỜNG XUYÊN : Từ Thứ 2 - Chủ nhật vào lúc: 08h - 21h mỗi ngày
1. Email: lsthachthao@yahoo.com.
2. ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN: 0989 046 966