Mình cũng muốn góp mấy ý kiến như sau:
Tại điều 140 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Như vậy theo sự trình bày của bạn, ở đây nếu không có dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, như vậy không cấu thành tội chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp của bạn, vì tình hình khó khăn mà chưa thể trả được, bạn nên có văn bản cam kết trả nợ (tương đương như xin gia hạn nợ), văn bản này có chữ ký hai bên, nếu như sau này bạn cố tình trốn tránh trả nợ thì văn bản này là cơ sở để bên kia khởi kiện. Làm thế này nhằm thuyết phục bên chủ nợ tin bạn có thành ý muốn trả nợ.
Thứ hai, hiện nay không bắt buộc phải khai báo tạm vắng tại địa phương nên bạn chỉ cần làm thủ tục đăng ký tạm trú khi đến nơi mới. Có một cách khác để chứng minh bạn không cố tình trốn tránh, bạn nên xin xác nhận của nơi tạm trú mới rồi gửi về.
Hơi vất vả nhưng tất cả những hành động này của bạn làm cho họ không có cơ sở tố cáo bạn chiếm đoạt tài sản