Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng để lấy kiến đóng góp từ các cá nhân, tổ chức và cơ quan. Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất cho thử nghiệm chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng và Open API.
Xem và tải về Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/08/du-thao-co-che-thu-nghiem.doc
Xem và tải về Dự thảo tờ trình Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/08/du-thao-to-trinh-co-che-thu-nghiem.doc
(1) Thử nghiệm các giải pháp Fintech
Cụ thể, theo Dự thảo, việc xây dựng Cơ chế thử nghiệm hướng đến 04 mục tiêu chính như sau:
- Đổi mới sáng tạo và phổ cập tài chính:
+ Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa ngành.
Mục tiêu hướng đến là phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp một cách minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
- Đánh giá và phát triển giải pháp Fintech:
+ Tạo môi trường thử nghiệm để đánh giá rủi ro, chi phí và lợi ích của các giải pháp Fintech.
+ Hỗ trợ xây dựng và phát triển các giải pháp phù hợp với nhu cầu thị trường, tuân thủ khung khổ pháp lý và quy định quản lý.
- Hạn chế rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech thử nghiệm chưa được quy định chính thức.
- Hoàn thiện pháp lý: Dựa vào kết quả thử nghiệm các giải pháp để hoàn thiện khung khổ pháp lý và quy định quản lý liên quan đến Fintech.
Dựa trên kết quả khảo sát thực tế về các Công ty Fintech tại Việt Nam và rà soát luật pháp hiện hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất 03 giải pháp Fintech thử nghiệm phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam, bao gồm:
Giải pháp
|
Nội dung
|
Chấm điểm tín dụng
|
Là giải pháp ứng dụng Hệ thống công nghệ thông tin được phát triển bởi một công ty Fintech.
Chức năng: Đánh giá mức độ uy tín tín dụng của cá nhân, tổ chức. Từ đó, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) ra quyết định cấp tín dụng hoặc thực hiện giải pháp cho vay ngang hàng.
|
Cho vay ngang hàng (P2P Lending)
|
Là giải pháp cho vay bằng đồng Việt Nam trên nền tảng số được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp để kết nối bên đi vay với bên cho vay.
|
Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API)
|
Là một tập hợp các API được tiêu chuẩn hóa, có thể được sử dụng bởi Hệ thống máy tính của nhiều TCTD, công ty Fintech và các bên thứ ba khác để gửi các yêu cầu dịch vụ đến hệ thống TCTD chia sẻ Open API.
|
(2) Thời gian thử nghiệm giải pháp Fintech
Theo Dự thảo, thời gian để thử nghiệm 03 giải pháp Fintech nêu trên như sau:
- Tối đa hai (02) năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian thử nghiệm bao gồm nhưng không giới hạn như:
+ Mức độ phức tạp của giải pháp.
+ Tính đột phá sáng tạo của giải pháp.
+ Đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký.
Thêm nữa, trong thời gian thử nghiệm, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh thời gian dựa trên tình hình thực tế, theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Dự thảo Nghị định.
(3) Nguyên tắc xét duyệt các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm
Theo Điều 5 Dự thảo Nghị định để đảm bảo tính công bằng, khách quan, công khai và minh bạch, việc xét duyệt các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được thực hiện dựa trên những nguyên tắc sau:
- Quá trình xét duyệt đảm bảo tính minh bạch về tiêu chí, quy trình đánh giá và lựa chọn tổ chức tham gia.
- Không đảm bảo cấp phép hoạt động: Dự thảo nêu rõ, việc được tham gia Cơ chế thử nghiệm không đồng nghĩa với việc tổ chức sẽ được cấp phép hoạt động chính thức hoặc giải pháp Fintech được công nhận để cung ứng ra thị trường.
- Chỉ các giải pháp Fintech thuộc các lĩnh vực được quy định trong Dự thảo Nghị định mới được xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm.
- Số lượng tổ chức tham gia: NHNN sẽ quyết định số lượng tổ chức tối đa được xét duyệt tham gia Cơ chế thử nghiệm dựa trên khả năng xét duyệt hồ sơ, năng lực giám sát và điều kiện phát triển thực tế của thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ công khai số lượng tổ chức được xét duyệt trong từng thời kỳ trên tổng số tổ chức nộp hồ sơ để đảm bảo tính minh bạch.
Ngoài ra, trong Dự thảo Nghị định, NHNN cũng nêu rõ đối với tổ chức không tham gia Cơ chế thử nghiệm Fintech như sau:
- Trường hợp không có nhu cầu: Các tổ chức tín dụng, công ty Fintech không có nhu cầu tham gia Cơ chế thử nghiệm có thể tiếp tục hoạt động và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật khác liên quan.
- Trường hợp không đáp ứng tiêu chí: Các tổ chức không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm cũng hoạt động theo quy định chung của pháp luật hiện hành.
Đối với tổ chức bị dừng thử nghiệm Fintech:
+ Điều này không đồng nghĩa với vi phạm pháp luật: Việc dừng thử nghiệm không có nghĩa là tổ chức không đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật tại thời điểm đó.
+ Trách nhiệm sau khi dừng thử nghiệm: Các tổ chức tự chịu trách nhiệm rà soát và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật khác liên quan.