Nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau cùng một vụ thì lập mấy biên bản? Biên bản vi phạm hành chính bắt buộc có những nội dung nào? Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp?
1. Nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau cùng một vụ thì lập mấy biên bản?
Căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp cụ thể. Theo đó:
- Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm.
- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.
Như vậy, trong cùng một vụ vi phạm, nếu một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm; nếu nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.
2. Biên bản vi phạm hành chính bắt buộc có những nội dung nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về nội dung của biên bản vi phạm hành chính. Theo đó, biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
- Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản.
- Họ và tên, chức vụ người lập biên bản.
- Thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm.
- Mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm.
- Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
- Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền).
- Lời khai của người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại (nếu có); ý kiến của cha mẹ hoặc của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính (nếu có).
- Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm, cơ quan của người có thẩm quyền tiếp nhận giải trình; trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình, thì phải ghi rõ ý kiến vào biên bản.
- Thời gian, địa điểm người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm phải có mặt để giải quyết vụ việc.
- Họ và tên người nhận, thời gian nhận biên bản trong trường hợp biên bản được giao trực tiếp.
Như vậy, một biên bản vi phạm hành chính bắt buộc phải có đầy đủ những nội dung theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản.
3. Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính. Theo đó, trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
Như vậy, thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp là 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
Tóm lại, trong cùng một vụ vi phạm, nếu một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính; nếu nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính theo quy định.