Đây đúng là vấn đề mà người học luật cũng như áp dụng pháp luật quan tâm. Trước đây trong quá trình học, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này.
Đối với những trường hợp này, để định tội danh đúng thì cần xác định được lỗi của người thực hiện hành vi PT thì mới có thể xác định chính xác được vấn đề. Nếu ai quan tâm, đọc bài viết trong cuốn Lỗi trong LHS VN của GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa thì sẽ hiểu hơn về vấn đề này.
Để mọi người tiện theo dõi và thảo luận. tôi xin post bài viết mà chúng tôi đã nghiên cứu để tham khảo.
Việc xác định lỗi của những người có hành vi xâm phạm đến thân thể của người khác có ý nghĩa rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác có biểu hiện khách quan tương tự nhau, việc phân biệt những trường hợp này đòi hỏi phải xác định lỗi của người thực hiện hành vi. Xác định lỗi sai sẽ dẫn đến định tội sai.
VD:
- Cùng là hành vi (cố ý) xâm phạm thân thể người khác gây chết người, nhưng có thể là phạm tội giết người (Đ.93) hoặc CYGTT (Đ.104 khoản 3).
- Cùng là hành vi cướp TS gây chết người, nhưng có thể PT cướp TS (K4Đ.133) hoặc phạm 2 tội cướp TS (Đ.133) và giết người (Đ.93).
Việc xác định lỗi của người phạm tội trong những trường hợp PT nêu trên chủ yếu là xác định lỗi (cố ý trực tiếp hay cố ý GT hay vô ý vì quá tự tin) đối với hậu quả chết người (đã hoặc chưa xảy ra).
Để xác định được lỗi đúng trong những trường hợp này đòi hỏi phải trả lời hai câu hỏi:
-Câu hỏi 1: Người PT có thấy trước hậu quả chết người hay không?
- Câu hỏi 2: Nếu thấy trước hậu quả thì họ mong muốn hay chấp nhận, hay đã loại trừ khả năng hậu quả này xảy ra.
Nếu câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là không thì có thể loại trừ được ngay khả năng lỗi cố ý đối với hậu quả (giết người). Lỗi cố ý của người PT trong trường hợp này chỉ còn có thể là lỗi cố ý đối với hành vi (gây thương tích, cướp TS…).
Chỉ có khả năng có lỗi cố ý đối với hậu quả (giết người) khi câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là có. Sẽ có lỗi cố ý đối với hậu quả (giết người) nếu người PT mong muốn hay chấp nhận hậu quả chết người xảy ra.
Việc xác định người PT mong muốn hay chấp nhận hậu quả chết người xảy ra hay có ý thức loại trừ khả năng hậu quả xảy ra chính là xác định thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người đã thấy trước.
Khi đã thấy trước hậu quả chết người mà người PT vẫn thực hiện hành vi PT thì chỉ có thể thuộc một trong 4 trường hợp:
+ Mong muốn hậu quả chết người xảy ra => Lỗi CYTT với hậu quả.
+ Chấp nhận HQ chết người xảy ra => Lỗi CYGT với hậu quả.
+ Loại trừ khả năng xảy ra hậu quả chết người (sự loại trừ là thiếu cơ sở). =>Lỗi VY do QTT với hậu quả.
+ Loại trừ khả năng xảy ra hậu quả chết người (sự loại trừ là có cơ sở đầy đủ). =>Không có lỗi với hậu quả.
* Để xác định thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người có thể dựa vào những tình tiết sau:
1. Nhóm những tình tiết phản ánh sự quan tâm của người PT đối với hậu quả chết người:
- Có thể sử dụng những tình tiết này để chứng minh thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người vì: trong trường hợp người PT có ý thức chấp nhận hậu quả xảy ra, người PT không quan tâm đến hậu quả chết người; trường hợp người PT mong muốn hậu quả chết người xảy ra thì họ có quan tâm đến hậu quả chết người (quan tâm theo hướng để hậu quả chết người xảy ra); còn trường hợp người PT có ý thức loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra, họ cũng quan tâm đến hậu quả chết người (nhưng là quan tâm theo hướng để hậu quả chết người không xảy ra).
- Các tình tiết cụ thể:
· Sự lựa chọn công cụ phương tiện, phương pháp phạm tội và lựa chọn cách thức sử dụng phương tiện:
Có thể sử dụng tình tiết này để chứng minh thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hậu quả chết người vì trong sự lựa chọn phương tiện, phương pháp phạm tội và lựa chọn cách thức sử dụng phương tiện của người PT có thể có những biểu hiện phản ánh sự quan tâm của người PT đối với hậu quả chết người, qua đó phản ánh thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người.
+ Trường hợp người PT chấp nhận hậu quả chết người xảy ra, người PT không quan tâm đến hậu quả chết người nên không quan tâm đến mức độ nguy hiểm của phương tiện, phương pháp phạm tội, cách thức sử dụng phương tiện. Người PT chỉ quan tâm đến mục đích chính khác (không phải mục đích gây hậu quả chết người), do đó tiêu chí để người Pt lựa chọn phương tiện, phương pháp PT là những thứ có khả năng giúp người PT đạt được mục đích chính chứ không phải những phương tiện, phương pháp có khả năng gây hậu quả chết người. Biểu hiện của thái độ tâm lý chấp nhận hậu quả chết người trong việc lựa chọn phương tiện, phương pháp phạm tội và cách thức sử dụng phương tiện của người PT là người PT lựa chọn, chuẩn bị bất kỳ phương tiện, phương pháp phạm tội nào, sử dụng phương tiện bằng bất kỳ cách thức nào có khả năng cao nhất giúp họ đạt được mục đích chính, không phụ thuộc vào tính nguy hiểm của phương tiện hay cách thức sử dụng phương tiện đối với tính mạng của nạn nhân. Người PT chấp nhận việc sử dụng phương tiện, phương pháp và cách thức sử dụng phương tiện đó có thể dẫn đến cả hai khả năng hậu quả chết người xảy ra hoặc không xảy ra, miễn là đạt được mục đích chính của mình. Họ không lựa chọn vì tính nguy hiểm của phương tiện cũng như của cách thức sử dụng chúng mà chỉ có sự lựa chọn để đảm bảo đạt được mục đích chính.
+ Trong trường hợp người PT có ý thức loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra, người PT vừa quan tâm làm sao để tránh hậu quả chết người xảy ra vừa quan tâm đến mục đích chính, do đó người phạm tội vừa quan tâm đến mức độ nguy hiểm vừa quan tâm đến khả năng giúp đạt được mục đích của phương tiện, phương pháp PT cũng như cách thức sử dụng. Tiêu chí để người phạm tội lựa chọn phương tiện, phương pháp phạm tội và cách thức sử dụng là những phương tiện, phương pháp ít nguy hiểm nhất, sao cho tránh được hậu quả chết người mà vẫn có khả năng giúp người PT đạt được mục đích chính, trong đó tránh hậu quả chết người là tiêu chí được ưu tiên số 1 (lựa chọn những phương tiện, phương pháp có thể tránh hậu quả chết người trước, sau đó mới lựa chọn trong số phương tiện, phương pháp đó lấy phương tiện, phương pháp có khả năng cao nhất giúp người PT đạt được mục đích chính). Biểu hiện: người Pt lựa chọn phương tiện, phương pháp ít nguy hiểm nhất, và ngay khi chuẩn bị hoặc trong quá trình sử dụng phương tiện và phương pháp phạm tội, người phạm tội có thể có những biện pháp làm giảm bớt mức độ nguy hiểm của phương tiện hoặc sử dụng phương tiện bằng cách thức ít nguy hiểm nhất để tránh hậu quả chết người xảy ra.
VD: Dùng vải hoặc cao su để bọc vào đầu búa để cướp TS; hoặc dùng cán cuốc để tác động vào nạn nhân chứ không dùng bàn cuốc.
+ Trường hợp người PT mong muốn hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội quan tâm làm sao để gây ra hậu quả chết người, do đó quan tâm đến mức độ nguy hiểm của phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng phương tiện. Tiêu chuẩn lựa chọn phương tiện của người phạm tội trong trường hợp này là phương tiện có khả năng cao nhất gây ra hậu quả chết người. Biểu hiện: người phạm tội lựa chọn phương tiện, phương pháp phạm tội cũng như cách thức sử dụng phương tiện có mức độ nguy hiểm cao nhất; trong khi chuẩn bị, sử dụng phương tiện, phương pháp phạm tội, người phạm tội có thể có những biện pháp làm tăng mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện phạm tội.
· Diễn biến thái độ của người PT trong quá trình thực hiện TP:
Có thể sử dụng tình tiết này để chứng minh thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người đã thấy trước vì nó phản ánh người phạm tội có hoặc không quan tâm đến hậu quả chết người.
+ Trường hợp người phạm tội chấp nhận khả năng hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội không quan tâm đến hậu quả chết người mà chỉ quan tâm đến việc đạt được mục đích chính. Do đó trong quá trình thực hiện tội phạm, diễn biến xấu đối với nạn nhân hay hậu quả chết người xảy ra không tác động đến người phạm tội, chỉ khả năng đạt được mục đích chính mới tác động đến người phạm tội. Người PT sẽ tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm thân thể của nạn nhân đến khi đạt được mục đích chính mới dừng, dù có những biểu hiện cho thấy tính mạng của nạn nhân đã trực tiếp bị đe dọa. Nếu chưa đạt được mục đích chính, người PT có thể hành động quyết liệt hơn nhưng không phải để hậu quả chết người xảy ra mà chỉ nhằm đạt được mục đích chính.
VD: Cướp TS, mục đích chính là chiếm đoạt được TS, không quan tâm nạn nhân có chết hay không.
+ Trường hợp người PT có ý thức loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra, người PT vừa quan tâm để tránh hậu quả chết người vừa quan tâm để đạt mục đích chính, do đó diễn viến xấu đối với nạn nhân hay hậu quả chết người xảy ra hay khả năng đạt được mục đích chính đều có tác động đến người PT, tuy nhiên mức độ tác động của chúng đối với người phạm tội là khác nhau vì thứ tự ưu tiên quan tâm của người phạm tội là làm sao để tránh hậu quả chết người trước, sau đó mới quan tâm đến khả năng đạt được mục đích chính. Vì vậy, trong trường hợp này người phạm tội luôn luôn theo dõi tình trạng của nạn nhân, và khi có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân người PT có thể thay đổi cách thức thực hiện hành vi theo hướng làm giảm bớt mức độ nguy hiểm của hành vi (thay đổi vị trí tác động, cường độ tác động..), thậm chí có thể dừng lại hoặc có những hành động nhằm cứu chữa cho nạn nhân; khi hậu quả chết người xảy ra thì người phạm tội thường có thái độ hoảng hốt, thậm chí không còn quan tâm đến mục đích chính nữa.
VD: Xiết cổ nạn nhân để đe dọa nhằm cướp TS, nếu thấy nhận nhân có biểu hiện nguy hểm đến tính mạng thì người phạm tội nới lỏng tay, dừng lại. Nạn nhân chết thì bỏ chạy, không lấy tài sản nữa…
+ Trường hợp người PT mong muốn hậu quả chết người xảy ra, người PT quan tâm là sao để gây ra hậu quả chết người, do đó khả năng gây ra hậu quả chết người cao hay thấp đều có tác động đến diễn biến thái độ của người PT trong quá trình thực hiện tội phạm. Cụ thể, người phạm tội luôn luôn theo dõi tình trạng của nạn nhân, khi có biểu hiện hậu quả chết người chưa xảy ra hoặc khả năng khó xảy ra thì người PT có thể thực hiện hành vi với cường độ quyết liệt, mạnh mẽ hơn hoặc thay đổi cách thức, phương tiện, phương pháp phạm tội theo hướng làm tăng mức độ nguy hiểm của hành vi. Và về lý thuyết, khi hậu quả chết người xảy ra thì người PT có thái độ thỏa mãn vì mục đích chính là gây hậu quả chết người đã đạt được.
VD: Bóp cổ để giết chết nạn nhân, nhưng nạn nhân chưa chết thì có thể dung dao đâm cho đến khi nạn nhân chết.
(Lưu ý: Có thể trong quá trình thực hiện hành vi người PT chuyển thái độ chủ quan từ loại trừ sang chấp nhận khả năng hq chết người xảy ra).
· Những biểu lộ khác của người PT trước, trong và sau khi thực hiện TP (trước hết là những biểu lộ bằng ngôn ngữ):
Có thể sử dụng những tình tiết này để chứng minh thái độ chủ quan của người PT vì những biểu hiện bên ngoài và thái độ tâm lý bên trong có liên quan đến nhau, những suy nghĩ bên trong của người PT có thể được bộc lộ qua những biểu hiện bên ngoài; những biểu hiện bên ngoài của người PT có thể phản ánh sự quan tâm của người PT đối với hậu quả chết người đã thấy trước, qua đó có thể chứng minh người phạm tội mong muốn hay chấp nhận hay có ý thức loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra.
Tuy nhiên không phải mọi biểu hiện bên ngoài đều phản ánh đúng suy nghĩ bên trong của người PT, người PT có thể có những biểu lộ ra bên ngoài không đúng suy nghĩ bên trong của mình nhằm che giấu hành vi phạm tội, hoặc do bực tức, nóng giận mà có những lời nói, hành vi không đúng với mong muốn, suy nghĩ thực sự của bản thân. Do đó cần đánh giá, kiểm tra những tình tiết này qua những tình tiết khác của vụ án (sự lựa chọn phương tiện, phương pháp PT; diễn biến thái độ trong khi thực hiện TP) để xác định được chính xác thái độ tâm lý của người PT. Nói chung, nhóm tình tiết này chỉ có giá trị xác nhận, củng cố cho các tình tiết khác mà không có giá trị chứng minh khi đứng độc lập.
2. Nhóm các tình tiết khác:
Nhóm tình tiết này không phản ánh sự quan tâm của người phạm tội đối với hậu quả chết người nhưng từ những tình tiết này có thể rút ra kết luận về thái độ của người PT đối với hậu quả trong những trường hợp cá biệt.
· Tính chất nguy hiểm của hành vi PT:
Tính chất nguy hiểm của hành vi PT vừa giúp xác định người PT có thấy trước hq chết người hay không, vừa có thể giúp xác định thái độ chủ quan của người PT đối với hq chết người đã thấy trước trong một số trường hợp cá biệt, đó là trường hợp người PT thực hiện hành vi nguy hiểm đến mức độ tất nhiên phải gây ra hq chết người, thì có thể trực tiếp kết luận được thái độ chủ quan của người PT chỉ có thể là mong muốn hq chết người xảy ra, loại trừ được hai khả năng người PT chấp nhận hay loại trừ khả năng hậu quả chết người xảy ra. Tính chất nguy hiểm của hành vi đến mức độ tất nhiên phải gây hậu quả chết người có thể do tính chất của hành vi quyết định (VD: Bỏ thuốc kịch độc (thạch tín) vào thức ăn của nạn nhân; dí súng vào đầu nạn nhân bóp cò); hoặc do mức độ thực hiện hành vi quyết định (VD: đập liên tiếp thanh gỗ chắc vào đầu nạn nhân…).
Lưu ý: Nếu người PT thực hiện hành vi nguy hiểm không đến mức độ tất nhiên phải gây ra hq chết người thì không thể rút ra kết luận trực tiếp về thái độ chủ quan của người PT, mà phải đánh giá trong mối liên hệ với những tình tiết khác của vụ án để củng cố, xác nhận tình tiết này.
VD: Dùng gậy chắc đập một nhát vào đầu nạn nhân; đâm dao vào bụng nạn nhân…
· Động cơ, mục đích chính cũng như nhân cách (thái độ) của người phạm tội:
3 yếu tố này luôn có mối liên quan với nhau, quyết định lựa chọn hành vi xử sự của mỗi người bị quy định bởi nhiều yếu tố trong đó có nhân cách và động cơ hành động.
Trong một số trường hợp, nghiên cứu nhân cách của người PT (thái độ đối với tính mạng, sức khỏe của người khác), động cơ hành động có thể giúp xác định mục đích phạm tội, qua đó xác định được thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người.
- Nếu làm rõ được động cơ hành động (tại sao người PT thực hiện TP) phù hợp với mục đích của hành động (người PT muốn gì qua hành vi PT), hành động tước đoạt tính mạng của người khác để đạt được mục đích cũng chính là nhằm thỏa mãn động cơ => Người PT mong muốn hq chết người xảy ra.
VD: A TCTS, bị B phát hiện, A đập gậy vào đầu B làm B chết.
Nếu nạn nhân quen biết người PT => động cơ giết người để che giấu hành vi TCTS => mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
Nếu nạn nhân không quen biết người PT => động cơ đánh người để tẩu thoát => không mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
- Nếu người PT đánh giá việc đạt được mục đích chính của mình quan trọng hơn việc tránh hậu quả chết người xảy ra, nên đã lựa chọn quyết định thực hiện hành vi Pt nhằm đạt được mục đích chính, chấp nhận khả năng hậu quả chết người xảy ra => người PT chấp nhận hq . Sự đánh giá, lựa chọn này của người PT có chịu ảnh hưởng của nhân cách cá nhân. Do đó có thể sử dụng tình tiết nhân cách và mục đích chính cuả người PT cùng với những tình tiết khác để xác định thái độ chủ quan của người PT đối với hậu quả chết người đã thấy trước.
Lưu ý: + Từ một động cơ có thể có nhiều mục đích khác nhau.
+ Một mục đích có thể xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau.
+ Một người có thể có sử xự phù hợp hoặc trái với nhân cách của họ.
Do đó những tình tiết này chỉ có ý nghĩa tham khảo, giúp xác nhận củng cố nhận định khi nó phù hợp với những tình tiết khác của vụ án.
VD: Hành vi giết người của một người chuyên nghề đâm thuê, chém mướn là phù hợp với nhân cách của họ (coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác). Nhưng hành vi của một người bố giết con mình do người con nghiện ma túy và thường xuyên đe dọa, hành hung, chửi bới bố mẹ để lấy tiền mua ma túy, có thể không phù hợp với nhân cách của người bố.
* Lưu ý chung khi sử dụng các tình tiết của vụ án để xác định thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hậu quả chết người đã thấy trước:
- Suy nghĩ chủ quan của người PT có thể thay đổi trong quá trình thực hiện tội phạm.
VD: ban đầu là thái độ loại trừ hậu quả, nhưng sau đó chuyển sang thái độ chấp nhận hậu quả.
- Suy nghĩ của con người không theo cùng một khuôn mẫu, do đó khi đánh giá tình tiết để xác định thái độ chủ quan của người PT phải xuất phát từ vị trí của người phạm tội (năng lực chủ thể, hoàn cảnh, không gian, thời gian PT…)
- Từng tình tiết có thể phản ánh nhiều khả năng khác nhau, do đó phải đánh giá từng tình tiết trong sự thống nhất với những tình tiết khác của vụ án.
Đường chông gai chờ ngày mai ta bước tiếp!