Mình xin chia sẻ vấn đề trên như sau:
Trước tiên bạn cần kiểm dịch sản phẩm. Việc kiểm dịch sản phẩm từ động vật khi nhập khẩu thực hiện theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Tại Điều 3 có nêu:
Điều 3. Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch; Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện miễn kiểm dịch; Danh Mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam
1. Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện miễn kiểm dịch quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Danh Mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Danh Mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, trước tiên bạn phải tham khảo Phụ lục I ban hành kèm theo văn bản trên xem sản phẩm của mình có thuộc đối tượng phải kiểm dịch hay không. Nếu thuộc thì bạn thực hiện thủ tục theo hướng dẫn tại Điều 9 cùng văn bản:
Điều 9. Kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu
1. Trước khi nhập khẩu sản phẩm động vật chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Thông tư này tới Cục Thú y (đối với bột thịt xương sử dụng Mẫu 20 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này).
Hình thức gửi hồ sơ: Qua đường bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử, fax sau đó gửi bản chính hoặc trực tiếp.
2. Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 của Thông tư này.
3. Nội dung kiểm dịch:
Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thực hiện:
a) Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Luật thú y;
b) Theo quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Kiểm tra Điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, kho bảo quản sản phẩm động vật theo quy định.
Về hồ sơ hải quan và cách thức khai hải quan, bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 16, Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi Khoản 5, Khoản 7 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Do nội dung Điều Luật dài nên bạn có thể tham khảo trực tiếp tại văn bản.
Về vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ thì “Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam (theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận, hợp pháp hóa lãnh sự). Bạn vui lòng làm rõ mục đích hợp pháp hóa để làm gì? Đối với hồ sơ hải quan thì không có quy định phải hợp pháp hóa mà chỉ có bản dịch khi hồ sơ không phải bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
...
2. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 3. Quy định về nộp, xác nhận và sử dụng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế
...
4. Các chứng từ thuộc hồ sơ nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này nếu không phải bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì người khai hải quan, người nộp thuế phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch. Đối với trường hợp nêu tại khoản 3 Điều này, người khai hải quan phải ký tên đóng dấu trên bản dịch.”