Vừa qua một chuyện hy hữu vừa xảy ra tại tỉnh Kiên Giang khi nhân viên Ngân hàng Quốc tế rượt theo một người được cho rằng đang thế chấp ô tô của mình với ngân hàng đang điều khiển phương tiện ra khỏi địa bàn thường trú.
Nhóm nhân viên này cho rằng ông T lái xe ra khỏi Tp. Phú Quốc để trốn vì vậy đã kêu gọi thêm vài người đuổi theo để chặn đường đòi lại ô tô. Cụ thể khi anh T di chuyển bằng đường tàu thủy từ bến cảng Tp. Phú Quốc đến cảng Tp. Hà Tiên khi vừa đến nơi nhóm đối tượng này đã chặn xe lại và đòi rút chìa khóa và có tác động vật lý lên kính xe.
Do lo sợ sẽ nguy hiểm đến tính mạng anh T đã tắt máy xuống xe và giao chìa khóa cũng như xe ô tô cho nhóm đối tượng này. Sau đó trình báo đến cơ quan công an.
Qua xác minh, điều tra cảnh sát đã chặn bắt các bị can tại thị trấn Kiên Lương, thu giữ 4 gậy cao su, 2 bình xịt hơi cay, một còng số 8, 2 cây gậy ba khúc, một súng, một roi bắn điện và búa thoát hiểm. Vậy, hành động của nhóm đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng này sẽ chịu hình phạt ra sao?
Thế chấp tài sản là gì?
Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Có thể hiểu đơn giản thế chấp tài sản là bên giao tài sản thế chấp với ngân hàng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình và nhận tiền từ ngân hàng.
Quyền của bên nhận thế chấp
Theo trường hợp trên thì Ngân hàng sẽ là bên nhận tài sản thế chấp và sẽ có các quyền được thực hiện theo Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015. Các quyền của bên nhận thế chấp sẽ bao gồm:
- Bên ngân hàng được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.
- Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.
- Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.
- Ngoài ra, thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Đặc biệt bên nhận thế chấp chỉ được xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015
Theo đó, căn cứ các quyền của bên ngân hàng sẽ không có quy định phía nhận tài sản thế chấp được quyền cưỡng chế tài sản.
Thẩm quyền kê biên tài sản thế chấp?
Theo Điều 96 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định trường hợp thi hành kê biên tài sản thế chấp là phương tiện giao thông thì thực hiện như sau:
Trường hợp kê biên phương tiện giao thông của người phải thi hành án, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó, nếu có.
Đối với phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng thì sau khi kê biên Chấp hành viên có thể thu giữ hoặc giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng, bảo quản nhưng không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp.
Trường hợp giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác sử dụng phương tiện giao thông thì Chấp hành viên cấp cho người đó biên bản thu giữ giấy đăng ký để phương tiện được phép tham gia giao thông.
Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông đối với phương tiện bị kê biên.
Việc kê biên đối với tàu bay, tàu biển để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển.
Như vậy, chỉ có chấp hành viên mới được thực hiện kê biên tài sản thế chấp khi có quyết định thi hành thu hồi tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án. Còn trường hợp nhân viên ngân hàng tự ý thu hồi tài sản thế chấp được xem là vi phạm pháp luật.
Trường hợp nào ngân hàng được thu giữ tài sản thế chấp?
Căn cứ Điều 6 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định Ngân hàng có thể mua, bán nợ xấu cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu như sau:
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, trừ tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với tổ chức tín dụng quy định tại khoản 1 Điều này mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với tổ chức tín dụng lựa chọn tổ chức định giá độc lập.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14.
Cá nhân thu hồi tài sản thế chấp đã vi phạm tội gì?
Trường hợp nhóm nhân viên ngân hàng dùng vũ lực và hành động thu hồi tài sản không đúng quy định pháp luật đã vi phạm Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:
Nhóm này đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của anh T nhằm chiếm đoạt tài sản, thì có thể bị phạt tù từ 01 năm - 05 năm.
Trong trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm - 10 năm:
- Có tổ chức.
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng.
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm - 15 năm:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng.
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, khi cảnh sát thu giữ nhóm này được 4 gậy cao su, 2 bình xịt hơi cay, một còng số 8, 2 cây gậy ba khúc, một súng, một roi bắn điện và búa thoát hiểm thuộc một số vũ khí cấm sử dụng tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Theo đó, các đối tượng này đã vi phạm Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có thể bị phạt tù từ 01 năm đến chung thân.