Để kích cầu tiêu dùng và nhanh chóng bán được hàng hóa, nhiều sản phẩm, hàng hóa bán trong siêu thị có đính kèm theo hàng hóa được khuyến mại. Nếu nhân viên siêu thị giấu hàng khuyến mại kèm theo cho khách hàng để sử dụng hay để bán có vi phạm pháp luật không?
(1) Khuyến mại là gì?
Theo khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 thì khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Trong đó, thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh;
- Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
(2) Nhân viên giấu lại hàng khuyến mại kèm theo cho khách hàng có vi phạm pháp luật không?
Khi còn là sinh viên, tôi cũng có làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị ở vị trí nhân viên bán hàng. Không ít lần tôi thấy đồng nghiệp “giấu” lại hàng đáng lẽ ra sẽ khuyến mại thêm cho khách hàng khách hàng mua một sản phẩm có khuyến mại.
Về mặt đạo đức, hành vi này chắc chắn là sai. Món hàng hóa được khuyến mại kèm theo đó thuộc sở hữu của người mua hàng khi họ mua các sản phẩm được khuyến mại. Nhân viên bán hàng lợi dụng công việc mình được giao (kiểm hàng, sắp xếp hàng hóa lên kệ) để giữ lại các sản phẩm được khuyến mại cho mình, việc làm này giống như việc “gian lận” từ khách hàng những quyền lợi mà họ đáng ra phải nhận được.
Về mặt pháp lý, theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:
- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;
- Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;
- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;
- Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;
- Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;
- Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
- Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Như vậy, hành vi tự ý giấu lại hàng khuyến mại của khách hàng sẽ bị xử lí hành chính bằng biện pháp phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng khi giá trị hàng hóa dưới 5 triệu đồng và tối đa bị phạt lên đến 20 triệu đồng nếu giá trị hàng hóa trên 100 triệu.
Ngoài ra, người vi phạm hành vi trên còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm mà có được.