Nhãn gốc, nhãn phụ của hàng hóa là gì? Hàng hóa cần có nhãn phụ khi nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610521 12/04/2024

    katkumhat
    Top 75
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2020
    Tổng số bài viết (807)
    Số điểm: 5428
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 85 lần


    Nhãn gốc, nhãn phụ của hàng hóa là gì? Hàng hóa cần có nhãn phụ khi nào?

    Nhãn gốc hay nhãn phụ cũng đều là nhãn của một hàng hóa, là bản in, bản vẽ, bản chụp, … của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in,… trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

    1. Nhãn gốc, nhãn phụ của hàng hóa là gì? Hàng hóa cần có nhãn phụ khi nào?

    Theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định về nhãn gốc, nhãn phụ như sau:

    Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

    Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;

    Theo như định nghĩa về nhãn phụ thì ta có thể hiểu hàng hóa cần có nhãn phụ khi nhãn gốc của hàng hóa là tiếng nước ngoài, cần nhãn phụ để thể hiện nội dung nhãn hàng hóa bằng tiếng Việt (dịch ra tiếng Việt) hoặc bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

    Cũng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định này thì nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này, cụ thể: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”

    Như vậy, theo quy định thì các hàng hóa nhập khẩu mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ.

    Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

    Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.

    nhan-hang-hoa-nhan-goc-nhan-phu

    Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:

    - Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;

    - Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

    2. Buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt thì bị phạt bao nhiêu?

    Theo Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 48, khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có quy định:

    Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng (trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan), trong đó có hành vi nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

    Mức phạt tiền sẽ từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu giá trị hàng hóa vi phạm từ 5.000.000 đồng trở lên tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu hàng hóa vi phạm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi (từ 2.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng) so những hàng hóa khác. (Xem chi tiết tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 119, được sửa đổi bởi khoản 49 Điều 2 Nghị định 126).

    Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Còn đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 (khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2017/NĐ-CP).

    Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 8 Điều 31 Nghị định 119, được sửa đổi bởi khoản 54 Điều 2 Nghị định 126.

     
    41 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận