Cầm cố tài sản hay còn gọi với thuật ngữ quen thuộc là “cầm đồ”, đây là công việc kinh doanh thông qua hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người có tài sản là động sản thuộc sở hữu của mình cho bên có quyền và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản.
Đa phần các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường là cá nhân, hộ gia đình. Chính vì điều này mà rất ít người quan tâm đến các quy định pháp luật về cầm cố, và dẫn đến nhiều sai phạm trong quá trình xử lý tài sản cầm cố.
Cầm cố tài sản là gì?
Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhưng lãi suất lại không hơn ngân hàng là mấy thì nhiều người vẫn ưu tiên lựa chọn cầm cố tài sản tại các điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Theo đó, Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền đã có sẵn một tài sản mà người có nghĩa vụ đã giao cho mình để khấu trừ phần nghĩa vụ chưa được thực hiện.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố
Khi thực hiện cầm cấm tài sản là các bên đã thiết lập giao dịch dân sự, khi đó phải lập hợp đồng cầm cố tài sản. Một điều quan trọng không thể thiếu trong hợp đồng đó chính là quyền và nghĩa vụ của bên nhận cầm cố. Qua đó, người kinh doanh dịch vụ này cần nắm các quy định tại Điều 313, 314 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
(1) Bên nhận cầm cố có nghĩa vụ
- Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
- Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
- Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Qua đó, bên nhận cầm cố phải cần phải bảo quản tài sản và không được sử dụng tài sản nếu không được sự đồng ý trong thời gian thực hiện nghĩa vụ cầm cố. Trường hợp bên cầm cố hoàn tất nghĩa vụ phải được trả lại tài sản ngược lại phải có thông báo xử lý tài sản nếu bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ.
(2) Bên nhận cầm cố có quyền
- Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
- Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
- Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Bên nhận cầm cố quyền xử lý và thanh lý tài sản nếu bên cầm cố không thực hiện đúng nghĩa vụ theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, bên nhận cầm cố phải kiểm tra giấy tờ tài sản cầm cố phải là tài sản hợp pháp để tránh trở thành bên có liên quan nếu tranh chấp xảy ra.
Hiệu lực chấm dứt cầm cố tài sản
Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Trả lại tài sản cầm cố
Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 315 Bộ luật Dân sự 2015 như:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
- Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Ngoài ra, bên nhận cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Một số mức phạt vi phạm về cầm cố
Cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm cố tài sản cần thực hiện và lưu ý các quy định pháp luật về cầm cố tài sản. Trường hợp có xảy ra vi phạm dẫn đến thiệt hại về tài sản cho người khác có thể bị xử lý theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
- Phạt 05 - 10 triệu đồng đối với các hành vi:
+ Nhận cầm cố tài sản nhưng không lập hợp đồng cầm cố theo quy định của pháp luật.
+ Nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản, bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trong thời gian cầm cố tài sản.
+ Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố.
Ngoài ra, trường hợp vi phạm nặng hơn mà người nhận cầm cố cần đặc biệt lưu ý đó là nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này có thể bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 - 09 tháng và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Lưu ý: Tổ chức có hành vi vi phạm tương tự cá nhân sẽ bị xử phạt gấp 02 lần.
Như vậy, bên nhận cầm cố tài sản cần lưu ý các vấn đề về giao kết hợp hợp đồng, đặc biệt là sử dụng quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình phải theo cam kết cũng như thông báo cho bên cầm cố bất cứ điều gì trước khi ra quyết định. Trường hợp xảy ra vi phạm mà do lỗi chủ quan của bên nhận cầm đồ có thể bị phạt đến 80 triệu đồng.