Nữ sinh bị giáo viên cầm kéo cắt tóc trước mặt cả lớp chắc hẳn là hình ảnh nổi bật trong những ngày qua. Khi một đoạn video mới đây được lan truyền với tốc độ chóng mặt và gây bức xúc trong dư luận với hành động của giáo viên này.
Thông tin cụ thể dẫn đến hành động trên là do nữ sinh này đã bị giáo viên nhiều lần nhắc nhở về màu tóc nhuộm khác so với nội quy của nhà trường, vì quá bức xúc, cô này đã cầm kéo cắt tóc của nữ học sinh ngay trên bục giảng.
Nhận được thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, cũng như xoa dịu dư luận về cái nhìn không tốt đến ngành giáo dục, Sở GD&ĐT đã cử cán bộ xác minh, điều tra sự việc và nội dung trên là đúng sự thật và sẽ có những hình thức xử lý cụ thể sau khi có kết luận cuối.
Từ vụ việc trên, nhiều người đặt ra nghi vấn rằng có quy định pháp luật nào điều chỉnh nội quy của nhà trường hay không? Và nhà trường cấm học sinh nhuộm tóc là đúng quy định pháp luật hay chưa?
1. Nhà trường có những quyền hạn nào?
Bộ GD&ĐT đã ban hành Điều lệ của các trường trung học, do đó để biết được nhà trường có quyền hạn gì thì có thể căn cứ Điều 3 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định trường THPT, trường THCS công lập có nhiệm vụ và quyền hạn bao gồm:
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
- Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.
- Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội.
- Quản lý giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật.
- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
- Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Giáo viên được quyền cấm học sinh nhuộm tóc, sơn móng tay?
Giáo viên chính là những người gần gũi học sinh nhất sau gia đình, vì thế giáo viên có những đặc quyền riêng qua đó có thể giúp học sinh phát triển về các kiến thức, kỹ năng cần thiết, theo Điều 29 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định giáo viên có các quyền sau:
- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự phân công, hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường.
- Được hưởng lương, chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi (nếu có) theo quy định; được thay đổi chức danh nghề nghiệp; được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định.
- Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương và các chế độ chính sách khác theo quy định khi được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi dưỡng.
- Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác và được sự đồng ý của hiệu trưởng bằng văn bản.
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.
- Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm, ngoài các quyền nêu trên còn có những quyền sau đây:
- Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.
- Được dự các cuộc họp của hội đồng khen thưởng và hội đồng kỷ luật khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp do mình làm chủ nhiệm.
- Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm.
- Được quyền cho phép cá nhân học sinh có lý do chính đáng nghỉ học không quá 03 ngày liên tục.
- Được giảm định mức giờ dạy theo quy định.
Qua đó, không có quy định giáo viên có quyền thực hiện các hành động, tác động đến thân thể, danh dự , nhân phẩm của học sinh dù là vi phạm nội quy nào.
3. Học sinh không được phép làm những gì?
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
- Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
- Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
- Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
- Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
- Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hiện hành không có quy định nào nghiêm cấm học sinh nhuộm tóc, sơn móng tay, tha son,... Mà các quy định này sẽ được quy định theo nội quy riêng của nhà trường và yêu cầu học sinh tham gia, thực hiện theo tôn chỉ của trường học.
Trường hợp giáo viên cắt tóc nữ sinh vì vi phạm nội quy đã vi phạm việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh này trước mặt nhiều người là không đúng quy định pháp luật.