Nhà tạo lập thị trường là tổ chức được Bộ Tài chính lựa chọn để thực hiện quyền, nghĩa vụ trong việc phát hành, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước theo quy định của Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
1. Điều kiện đăng ký nhà tạo lập thị trường
Để được đăng ký nhà tạo lập thì trường thì tổ chức cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:
- Là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Có vốn chủ sở hữu thực có trên báo cáo tài chính được kiểm toán của ba năm liền kề trước năm đăng ký làm nhà tạo lập thị trường không thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của pháp luật liên quan;
- Có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm.
Trường hợp tổ chức nhận sáp nhập hoặc hình thành sau chia, tách, hợp nhất thì thời gian hoạt động được tính cả thời gian trước khi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất;
- Tham gia mua công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường sơ cấp và giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ.
2. Quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường
Điều 27 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định nhà tạo lập thị trường có những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản sau:
- Về quyền lợi:
+ Là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành, mua lại hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo phương thức đấu thầu;
+ Được ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc theo phương thức bảo lãnh;
+ Được tham gia trao đổi định kỳ về công tác phát hành và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu trong từng thời kỳ với Bộ Tài chính;
+ Được Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo thanh khoản theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 95/2018/NĐ-CP;
+ Được ưu tiên tham gia các phiên thỏa thuận mua lại hoặc thỏa thuận hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo thông báo của Bộ Tài chính.
- Về nghĩa vụ:
+ Tham gia dự thầu tại các phiên đấu thầu phát hành công cụ nợ của Chính phủ theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ;
+ Hàng năm tham gia mua (mua cho mình hoặc cho khách hàng) công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường sơ cấp và tham gia giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ;
+ Thực hiện nghĩa vụ cam kết chắc chắn chào giá mua, chào giá bán hàng ngày đối với các công cụ nợ chuẩn theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ.
+ Thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua công cụ nợ của Chính phủ;
+ Thực hiện chế độ báo cáo năm và báo cáo định kỳ 6 tháng theo Mẫu số 03 và Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP.
3. Quy trình, thủ tục công nhận mới nhà tạo lập thị trường
- Từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 11 hàng năm, các tổ chức đủ điều kiện có nhu cầu trở thành nhà tạo lập thị trường gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2018/NĐ-CP đến Bộ Tài chính.
- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Tài chính kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản về việc bổ sung hồ sơ (nếu có).
- Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, căn cứ điều kiện quy định tại Mục 1, Bộ Tài chính lựa chọn và công bố nhà tạo lập thị trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, Bộ Tài chính có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Hàng năm, căn cứ kết quả tham gia trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp và tỷ trọng đánh giá của từng tiêu chí trong từng thời kỳ, Bộ Tài chính xếp hạng và công bố kết quả xếp hạng nhà tạo lập thị trường.
Căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường, Bộ Tài chính sử dụng kết quả đánh giá xếp hạng để duy trì tư cách nhà tạo lập thị trường.
Quy trình đánh giá duy trì tư cách nhà tạo lập thị trường thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 95/2018/NĐ-CP.