Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại công ty nào?

Chủ đề   RSS   
  • #601819 14/04/2023

    Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại công ty nào?

    Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại công ty nào? Sự khác biệt giữa các loại hình công ty đó là như thế nào? Nếu muốn đổi tên dự án đầu tư thì theo quy định nào?

     

    1. Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập những loại công ty nào?

    Tại Khoản 26 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì quy định Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, tổ chức theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

    Theo đó, tại Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 đã quy định Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

    Theo quy định về thành lập tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điểm b, Khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020 như sau:

    - Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020;

    - Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Theo đó, đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là tổ chức nước ngoài thì khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế (tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020).

    Đồng thời theo quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Điều 20, 21 và 22 Luật Doanh nghiệp 2020 đối với các loại hình sau công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì đã có quy định cụ thể trong hồ sơ thành lập phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

    Do vậy, nếu tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam có thể thành lập doanh nghiệp với loại hình công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

    2. Sự khác biệt giữa các loại hình Công ty hợp danh, Công ty TNHH, CTCP

    * Đối với loại hình Công ty hợp danh:

    Theo quy định tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

    - Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

    - Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

    - Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty;

    - Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

    - Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

    * Đối với loại hình Công ty TNHH:

    Công ty TNHH bao gồm Công ty TNHH 1TV và Công ty TNHH 2TV trở lên.

    Theo quy định tại Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 về Công ty TNHH 1TV như sau:

    - Công ty TNHH 1TV là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

    - Công ty TNHH 1TV có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    - Công ty TNHH 1TV không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

    - Công ty TNHH 1TV được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020.

    Theo quy định tại Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 về Công ty TNHH 2TV trở lên:

    - Công ty TNHH 2TV trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 51, 52 và 53 Luật Doanh nghiệp 2020;

    - Công ty TNHH 2TV trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

    - Công ty TNHH 2TV trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành CTCP;

    - Công ty TNHH 2TV trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020.

    * Đối với loại hình CTCP:

    Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 thì CTCP là doanh nghiệp, trong đó:

    - Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

    - Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

    - Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

    - Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.

    - CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    - CTCP có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

    Như vậy, căn cứ vào các đặc điểm trên, khi thành lập công ty thì nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu của mình để lựa chọn được loại hình công ty phù hợp.

     

    3. Nếu muốn đổi tên dự án đầu tư thì theo quy định nào?

    Theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 41 Luật Đầu tư 2020 như sau:

    - Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

    - Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

    Theo quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư 2020 về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì ghi nhận “Tên dự án đầu tư”

    Theo đó, tên dự án đầu tư cũng là một trong các nội dung tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do vậy nếu có thay đổi tên dự án đầu tư thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến Cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP với hồ sơ bao gồm:

    - Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư theo mẫu A.I.11.h được ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT

    - Tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

     
    2896 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hhngoc_anh vì bài viết hữu ích
    diemtrinh.03005@gmail.com (12/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận