Theo khoản 1 điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 định nghĩa “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.” Và cũng tại khoản 5 điều 3 Luật này quy định “Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài.” Qua quy định này, có thể thấy các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
- Nuôi con nuôi giữa người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
- Nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà trong đó có một bên ở nước ngoài.
Trong ba trường hợp trên, pháp luật có quy định về nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Như vậy, có thể hiểu rằng người Việt vẫn được nhận con nuôi là người nước ngoài.
Về điều kiện nhận con nuôi nước ngoài, người Việt cần đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam và quy định của nước muốn nhận con làm con nuôi. Theo đó, tại khoản 2 điều 29 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện người Việt Nam nhận nuôi con nuôi là người nước ngoài như sau:
“Điều 29. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
[…]
2. Công dân Việt Nam nhận người nước ngoài làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại điều 14 của Luật này và pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.”
Tham chiếu về điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, người Việt muốn nhận con nuôi là người nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có tư cách đạo đức tốt;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở để bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.
Tuy nhiên, tại khoản 3 điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về các trường hợp người nhận con nuôi không cần phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên và không cần đáp ứng điều kiện về sức khỏe, kinh tế vẫn có thể nhận con nuôi. Đó là, các trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi. Như vậy, người Việt có cháu hoặc con riêng của vợ/chồng là người nước ngoài thì không cần đáp ứng hai điều kiện trên vẫn được nhận con nuôi.
Tóm lại, người Việt vẫn được nhận con nuôi là người nước ngoài nếu đáp ứng đủ các điều kiện nhận con nuôi theo quy định pháp luật Việt Nam tại điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 và pháp luật của nước có người mà mình muốn nhận làm con nuôi.