Khi mua bán hàng hóa trong các siêu thị, trung tâm thương mại, khi thanh toán chúng ta thường nhận được hóa đơn có ghi các nội dụng như là đã bao gồm thuế VAT hoặc chưa bao gồm thuế VAT. Vậy tại sao người mua phải chịu khoản VAT đó mà không phải doanh nghiệp.
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định Thuế giá trị gia tăng hay VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Người nộp thuế giá trị gia tăng
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng, có thể hiểu những người nộp thuế giá trị gia tăng thông thường là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu) khi đưa các sản phẩm hàng hóa, cung cấp các dịch vụ trên thị trường.
Người chịu thuế giá trị gia tăng
Pháp luật không quy định khái niệm người chịu thuế, tuy nhiên có thể hiểu, người chịu thuế là người trực tiếp bỏ tiền ra để đóng khoản tiền thuế. Chủ thể chịu thuế phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuế cho Nhà nước vì họ có hành vi tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ có được từ hành vi chịu thuế
Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế gián thu được cộng vào hàng hóa dịch vụ, qua các giai đoạn sản xuất kinh doanh. Do đó, thuế giá trị gia tăng không trực tiếp đánh vào thu nhập hay tài sản, kết quả kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, mà đánh trực tiếp vào người tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cuối cùng là người tiêu dùng.
Qua các giai đoạn sản xuất kinh doanh và khi người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ đó để sử dụng thì trong đó đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Người tiêu dùng chính là chủ thể chịu thuế. Các cơ sở kinh doanh chỉ đóng vai trò là người thu hộ tiền thuế giá trị gia tăng của người tiêu dùng. Sau đó nộp vào ngân sách nhà nước qua kỳ kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Chủ thể chịu thuế chỉ có trong lý luận về thuế. Chính vì vậy, chủ thể chịu thuế (người tiêu dùng, khách hàng) không phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật về thuế. Trong trường hợp, người bán thỏa thuận nếu ngưới mua không lấy hóa đơn, tức là người mua không phải chịu phần thuế giá trị gia tăng thì cũng không vi phạm pháp luật về thuế mà chỉ vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn. Trong tình huống này, người bán phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước (vì vi phạm pháp luật thuế) do nghĩa vụ của người bán (người nộp thuế) phải thu khoản tiền thuế này từ người mua để nộp cho Nhà nước nhưng họ không thực hiện.
Từ những quy định trên có thể kết luận, khách hàng hay người tiêu dùng chính là người phải trả thuế giá trị gia tăng, và đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ trực tiếp đóng thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.