Mấy ngày nay báo chí đưa tin về các nội dung “Ai mới được coi là người tiêu dùng?”, rồi “Theo luật, người tiêu dùng không bao gồm chủ quán”..Vấn đề này lại xoay quanh câu chuyện khiếu nại Tân Hiệp Phát về vấn đề “ruồi, lông, cặn bã…trong chai nước”.
Tóm tắt sơ về câu chuyện là ông Nguyễn Ngọc Anh – chủ nhà hàng Hữu Nghị phát hiện 6 chai Dr.Thanh có ruồi, lông, cặn bã, sau đó đã gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan này lại không thụ lý đơn mà lại chuyển cho cơ quan chức năng khác với lý do đơn khiếu nại này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội Bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều người thắc mắc rằng vấn đề này liên quan đến người tiêu dùng tại sao họ lại không thụ lý đơn? Trả lời cho câu hỏi này, vì người nộp đơn không phải là người tiêu dùng.
Theo Khoản 1, Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 có quy định:
1. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
|
Vì vậy, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm việc theo đúng thẩm quyền mà Luật đặt ra, đó là chuyển cho cơ quan chức năng khác thụ lý đơn.
Nhiều tranh cãi xoay quanh việc người tiêu dùng phải bao gồm luôn cả người chủ quán. Cách hiểu này hoàn toàn sai. Nếu nói đến “người tiêu dùng”, người ta sẽ nghĩ ngay đến người sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, sẽ không nghĩ đến chủ quán.
Nhưng liệu chúng ta có nên đề xuất thêm về khái niệm “người đại diện cho người tiêu dùng” tức là chủ quán trong trường hợp thực tế này.
Vì thực tế cách chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng khác thụ lý đó là các cơ quan quản lý thị trường, đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là đúng theo quy định pháp luật. Một câu hỏi được đặt ra là liệu nó có liên quan đến người tiêu dùng?
Đặt giả sử nếu ông chủ quán nêu trên mua Dr.Thanh về vừa để bán, vừa để sử dụng. Khi phát hiện thấy có ruồi, lông, cặn bã thì gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có được thụ lý không?
Luật được đặt ra để điều chỉnh các hành vi trong xã hội theo một chuẩn mực nhất định. Cuộc sống muôn hình vạn trạng nên thực tế sẽ phát sinh những trường hợp mà luật pháp chưa thể dự liệu được. Vì vậy, sau những vụ việc phát sinh này có thể sẽ có những hướng sửa đổi mới cho phù hợp.