Người phát ngôn có thể từ chối trả lời báo chí không? Hiện nay ai đang là Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Người phát ngôn có thể từ chối trả lời báo chí không?
Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định về quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn như sau:
“Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 38, Luật báo chí.”
Theo đó, dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 38 Luật báo chí 2016 có quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp như sau:
- Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
- Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
Theo đó, nếu thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên thì người phát ngôn có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, cũng loại trừ một số trường hợp như cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
(2) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hiện nay là ai?
Căn cứ Điều 2 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Ngoại giao ban hành kèm theo Quyết định 1562/QĐ-BNG năm 2012 có quy định về người phát ngôn như sau:
- Người Phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.
- Phó Phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao là Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (hoặc Lãnh đạo Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủy quyền) chỉ định người thực hiện nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đối với một sự kiện, vấn đề cụ thể.
- Cơ quan cung cấp thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao cho báo chí là Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.
Những phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí do Người Phát ngôn, Phó Phát ngôn, người được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (hoặc Lãnh đạo Bộ Ngoại giao được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủy quyền) chỉ định, nêu tại các quy định trên là phát ngôn và thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao.
Theo đó, ngày 08/6/2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí kiêm Phó Phát ngôn, giữ chức Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí kiêm Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Bà Phạm Thu Hằng đảm nhận cương vị Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao thay bà Lê Thị Thu Hằng.
Theo đó, hiện nay Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao là bà Phạm Thu Hằng.
(3) Các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 5 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Ngoại giao ban hành kèm theo Quyết định 1562/QĐ-BNG năm 2012 có quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Ngoại giao như sau:
- Các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công cho Người phát ngôn, Phó Phát ngôn và người có thẩm quyền phát ngôn và cho Vụ Thông tin Báo chí.
- Trong trường hợp được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (hoặc Lãnh đạo Bộ Ngoại giao) chỉ định, lãnh đạo hoặc cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin cho báo chí về các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của đơn vị và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình cung cấp trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Các đơn vị, cá nhân không được nhân danh Bộ Ngoại giao để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nếu chưa được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Theo đó, hiện nay, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Ngoại giao có những trách nhiệm như đã nêu trên.