Căn cứ Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, việc nghỉ việc ngang (hay còn gọi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ) chỉ được xem là đúng luật khi:
- Đối với hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng thời vụ phải đáp ứng đồng thời:
+ Nguyên nhân chấm dứt hợp đồng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 37;
+Tuân thủ thời hạn báo trước theo Khoản 2 Điều 37.
- Đối với hợp hợp đồng không xác định thời hạn thì không cần tuân thủ nguyên nhân chấm dứt, mà chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước. (Khoản 2 Điều 37)
Nếu vi phạm nguyên tắc trên xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, khi đó người lao động có các nghĩa vụ sau (Điều 43 Bộ luật lao động 2012):
"Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này."
Trường hợp anh nêu trên thì người lao động này đã làm việc 6 năm 8 tháng, trường hợp người này đang ký hợp đồng không xác định thời hạn với công ty đúng không ạ? Vì vậy, nếu không tuân thủ thời hạn báo trước 45 ngày sẽ bị xem là chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Tuy nhiên, căn cứ trên hoàn cảnh thực tế của người lao động (ví dụ mẹ ốm nặng, hoàn cảnh khó khăn, điều kiện kinh tế không đảm bảo)... công ty có thể xem xét việc "chấp thuận đơn xin nghỉ việc" - có nghĩa là chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận, khi đó người lao động không phải bồi thường. Hoặc xem xét giảm mức bồi thường cho người lao động.