Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?

Chủ đề   RSS   
  • #610973 26/04/2024

    Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?

    Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không? Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ? Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ?

    1. Người lao động mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không?

    Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Lao động nữ mang thai.

    - Lao động nữ sinh con.

    - Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

    - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

    - Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

    - Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

    Như vậy, lao động nữ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.

    2. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ?

    Căn cứ Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được quy định như sau:

    - Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    - Chính phủ quy định chi tiết chế độ thai sản, thủ tục hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

    Như vậy, lao động nữ mang thai hộ sẽ được hưởng các chế độ từ khi mang thai đến khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định.

    3. Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ?

    Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ được quy định:

    (i) Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

    - Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

    - Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

    - Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Mục này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

    (ii) Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

    (iii) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Như vậy, lao động nữ được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản theo quy định.

     
    212 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận