Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng lương

Chủ đề   RSS   
  • #396562 17/08/2015

    anh.tran

    Female
    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/08/2015
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 5
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng lương

    Chào Luật Sư,

    Công ty chúng tôi có trường hợp này muốn nhờ luật sư tư vấn: Vào ngày 20/07/2015 anh Nguyễn Văn A gọi điện thông báo với quản lý trực tiếp của mình xin nghỉ việc với lý do gia đình có việc và anh ta bắt đầu nghỉ tới ngày 05/08/2015 thì vào công ty làm biên bản bàn giao công việc. Anh A chỉ gọi điện thông báo xin nghỉ việc mà không viết đơn xin nghỉ. Hiện tại anh A ký hợp đồng lao động 6 tháng. Ngày ký hợp đồng từ 23/05/2015 đến ngày 22/11/2015. Vậy trường hợp của anh A có được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hay không? (Vì Anh A chỉ báo gia đình có việc nên xin nghỉ việc chứ không có giấy tờ chứng minh nào)? Và nếu là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì công ty phải làm các loại văn bản như thế nào để yêu cầu người lao động bồi thường nửa tháng tiền lương theo Điều 43 bộ luật lao động. Và phải giải thích với người lao động như thế nào để họ hiểu về khoản tiền mà họ phải bồi thường.  Nếu họ không đồng ý thì công ty phải làm sao?

    - Hiện tại công ty đã cho anh A ký hợp đồng 6 tháng nhưng chưa trả lại cho anh 1 bản hợp đồng

    - Công ty đã làm thông báo để giữ lại số tiền bồi thường nửa tháng tiền lương, và số tiền đó đã khấu trừ trực tiếp vào lương. Phần lương còn lại đã thanh toán cho anh A rồi.

     (Thực tế công ty không muốn anh A bồi thường hợp đồng nhưng vì Anh A có thái độ vô trách nhiệm với công việc, gây ảnh hưởng xấu đến khách hàng nên công ty chúng tôi mới làm theo luật)

    Vậy công ty làm như vậy có trái với pháp luật hay không? và nếu trái với pháp luật thì cty phải làm sao để 2 điều trên không trái với pháp luật. Cách lách luật như thế nào? Mong luật sư tư vấn.

    Cập nhật bởi anh.tran ngày 17/08/2015 10:56:53 SA
     
    4135 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #449357   13/03/2017

    Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Câu hỏi của bạn về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn của người lao động.

    1. Trường hợp của anh A có được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hay không?

    (1) Về vấn đề trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

    Bộ luật Lao động 2012 có quy định:

    “Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

    1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

    […] d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

    […] 2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

    a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

    b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này; […]”

    Trên đây là những trường hợp người lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ hợp pháp, ngoài điểm d) ra không có khoản nào khớp với lý do của anh A. Tuy nhiên trường hợp xin nghỉ ở điểm d) được quy định chi tiết tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lao động như sau:

    “Điều 11. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động 

    […]2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp sau đây: 

    a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; 

    b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; 

    c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.

    Về thủ tục xin nghỉ. Anh A tuy không làm văn bản xin nghỉ nhưng đã gọi điện xin nghỉ. Luật không bắt buộc người lao động phải lập văn bản xin nghỉ, chỉ cần người lao động xin nghỉ, truyền đạt được thông tin đến người sử dụng lao động bằng bất cứ hình thức nào (nói trực tiếp, gửi thư, email, gọi điện,…) và quản lý chấp thuận là được.

    Vì anh A không nêu rõ lý do với Công ty nên Công ty phải tự mình đi xác minh xem trường hợp của anh A có thuộc 3 trường hợp tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hay không. Nếu anh A nghỉ không thuộc 3 trường hợp đó thì anh A đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật vì lý do nghỉ không thỏa mãn.

    (2) Về vấn đề thời hạn báo trước

    Tuy nhiên chắc chắn rằng anh A đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật do vi phạm quy định về nghĩa vụ báo trước và phải bồi thường cho Công ty khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước:

    “Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

    1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

    2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước. […]”

    Anh A xin nghỉ từ ngày 20/07/2015 và nghỉ ngay từ hôm đó do vậy anh A đã nghỉ trước 03 ngày so với thời hạn được quy định trong luật.

    2. Các hành vi của công ty có trái pháp luật hay không?

    - Công ty đã làm thông báo để giữ lại số tiền bồi thường nửa tháng tiền lương, và số tiền đó đã khấu trừ trực tiếp vào lương. Phần lương còn lại đã thanh toán cho anh A rồi.

    Công ty cần phải xác minh thêm thông tin về lý do nghỉ việc của anh A, nếu không thuộc 3 trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì mới có thể giữ nửa tháng tiền lương của anh A. Ngoài ra, công ty có thể giữ lại thêm một khoản tiền bằng 03 ngày tiền lương của anh A.

    Công ty nên ra một thông báo khác yêu cầu anh A trình bày rõ lý do nghỉ và giải thích việc giữ lại khoản tiền nửa tháng tiền lương và 03 ngày tiền lương của anh A. Đồng thời, công ty đi xác minh lý do nghỉ việc của anh A.

    Nếu anh A không đồng ý, anh A có thể kiện công ty ra tòa để phản đối hành vi này.

    - Hiện tại công ty đã cho anh A ký hợp đồng 6 tháng nhưng chưa trả lại cho anh 1 bản hợp đồng

    Hành vi này trái pháp luật, vì người lao động phải được giữ 1 bản HĐLĐ theo điều 16 BLLĐ 2012:

    “Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

    1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

    Công ty gửi lại cho anh A 01 bản HĐLĐ.

    Trên đây là một số ý kiến trao đổi của tôi về trường hợp mà bạn đưa ra. Do thông tin còn hạn chế và một vài tình tiết khúc mắc nên không thể tư vấn kỹ càng. Để được tư vấn đầy đủ hơn mong bạn liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới. Trân trọng!

    Chuyên viên tư vấn Nguyễn Khắc Thu | 

    Cập nhật bởi clevietkimlaw1 ngày 13/03/2017 05:02:48 CH

    BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM

    M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com

    Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.

     
    Báo quản trị |  
  • #449380   13/03/2017

    hvquyen1
    hvquyen1
    Top 50
    Lớp 9

    Bắc Ninh, Việt Nam
    Tham gia:20/09/2012
    Tổng số bài viết (1605)
    Số điểm: 11550
    Cảm ơn: 167
    Được cảm ơn 812 lần


    Chào bạn Thu.

    Chủ topic hỏi đã lâu, không biết câu trả lời bây giờ có còn tác dụng với bạn ấy?

    Nhưng để cho người khác tham khảo, tôi đính chính lại một ý:

    "công ty có thể giữ lại thêm một khoản tiền bằng 45 ngày tiền lương của anh A." là chưa đúng, vì trường hợp chủ topic hỏi là HĐLĐ có thời hạn 6 tháng nên thời hạn báo trước chỉ 3 ngày thôi.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn hvquyen1 vì bài viết hữu ích
    clevietkimlaw1 (13/03/2017)