Khám xét chỗ ở khi công dân vắng mặt - Ảnh minh họa
Trong trường hợp người dân không có mặt tại nơi cư trú, Công an có được tiến hành khám xét chỗ ở của họ hay không? Nếu có thì phải căn cứ vào đâu?
Thứ nhất, việc khám xét phải được áp dụng đúng căn cứ và thẩm quyền
Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định rõ, việc khám xét chỗ ở chỉ được thực hiện khi:
- Có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
- Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở tại Điều 193 BLTTHS được quy định gồm 2 trường hợp:
- Trường hợp khẩn cấp:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp
+ Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương
- Trường hợp thông thường:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
+ Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
*Lưu ý: Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được sự Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi khám xét.
Thứ hai, việc khám xét khi không có mặt người dân dựa vào căn cứ nào
Điều 195 BLTTHS quy định việc khám xét chỗ ở phải tuân thủ:
- Phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến.
- Trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
- Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Từ đó có thể thấy, chỉ trong trường hợp việc khám xét không thể trì hoãn được thì người có thẩm quyền mới được khám xét chỗ ở mà không có mặt người dân, tuy nhiên cần có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.