Nếu người dân đi trên đường gặp tình trạng kẹt xe khiến việc giao thông đi lại gặp khó khăn thì có được tự đứng ra điều tiết giao thông không? Những ai sẽ có thẩm quyền điều tiết giao thông?
Thấy kẹt xe trên đường, người dân có được tự đứng ra điều tiết giao thông không?
Theo Khoản 25 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
Theo Khoản 1 và khoản 3 Điều 37 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về tổ chức giao thông và điều khiển giao thông như sau:
- Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây:
+ Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
+ Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ;
+ Thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời hoặc lâu dài; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
- Trách nhiệm điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông như sau:
+ Chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông;
+ Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.
Như vậy, theo quy định hiện hành, chỉ có CSGT mới được điều tiết, chỉ huy, điều khiển, phân lại luồng, tuyến khi xảy ra kẹt xe. Việc người dân tự động đứng ra điều tiết giao thông là vi phạm, đồng thời việc này cũng có thể gây nguy hiểm vì người dân chưa được đào tạo chuyên môn.
Nếu tổ chức các giải chạy trên đường thì có được tự ý phân luồng lại không?
Theo quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hoạt động khác trên đường bộ như sau:
- Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ thực hiện theo quy định sau đây:
+ Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ để tiến hành hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp cần hạn chế giao thông hoặc cấm đường thì cơ quan quản lý đường bộ phải ra thông báo phương án phân luồng giao thông; cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ quy định phải thực hiện việc đăng tải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
+ Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tổ chức việc phân luồng, bảo đảm giao thông tại khu vực diễn ra hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội.
- Không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
+ Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
+ Thả rông súc vật trên đường bộ;
+ Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
+ Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
+ Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
+ Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
+ Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
+ Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Như vậy, nếu muốn tổ chức các giải chạy hay các hoạt động văn hoá trên đường thì phải được cơ quan có thẩm quyền thống nhất và đồng ý bằng văn bản, đồng thời nếu cần phân luồng, cấm ở một số tuyến đường thì cơ quan thẩm quyền phải ra thông báo và cơ quan sử dụng phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp an toàn.
Tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín, cột đèn, hàng rào của các cơ quan nhà nước hoặc các công trình công cộng khác;
+ Tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;
+ Phá hoại, làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, với hành vi tự ý dịch chuyển biển báo giao thông thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Lưu ý: mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần cá nhân.