Gửi bạn nguyenkhanhchinh,
Pháp nhân thì người được ủy quyền có thể ký đơn khởi kiện bạn nhé. Ngay từ Công văn số 38/KHXX ngày 29/3/2007 thì Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về trường hợp này rồi và khi ra Nghị quyết 05/2012 thì cũng theo tinh thần đó mà thôi chứ không phải là có gì mới.
Lục lại quá khứ khi ra Công văn 38 là do hồi đó từ khi có NQ 02/2006 thì về cá nhân đã rõ ràng là không được ký thay mà ai khởi kiện thì phải tự ký, nhưng đối với pháp nhân thì mỗi tòa xử một kiểu, nhiều án sơ thẩm lên phúc thẩm bị hủy rồi lên giám đốc thẩm lại bị hủy tiếp... TANDTC do đó phải khẩn cấp ra Công văn 38 để hướng dẫn giải quyết về tình trạng này và chỉ áp dụng riêng cho pháp nhân. Từ đó đến nay thì người được đại diện theo PL của pháp nhân ủy quyền tham gia giải quyết vụ việc thì cũng được ủy quyền để ký đơn khởi kiện luôn.
Quy định này là phù hợp với thực tiễn. Có thể lấy ví dụ như sau: chi nhánh Tp HCM của ngân hàng Vietcombank, mặc dù rất là to nhưng cũng chỉ là một chi nhánh, nếu có 1 khách hàng ở Tp HCM giao dịch với CN Vietcombank TP HCM và phát sinh tranh chấp, Ngân hàng Vietcombank sẽ là nguyên đơn khởi kiện (Chứ không phải CN Tp HCM là nguyên đơn), TGĐ Vietcombank ở HN viết giấy ủy quyền cho ông GĐ chi nhánh Tp HCM tiến hành khởi kiện thì cũng ủy quyền luôn cho ông GĐ chi nhánh có quyền ký đơn khởi kiện và các sửa đổi bổ sung, rồi các bước kháng cáo hay thi hành án... là hợp lý. Chứ nếu mỗi lần có vấn đề ký đơn mà TGĐ ngoài HN lại phải ký thì không hợp lý.
Như vậy vấn đề là rất rõ ràng:
- Cá nhân đầy đủ năng lực hành vi: đơn khởi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ
- Pháp nhân: đơn khởi kiện phải có chữ ký của người đại diện theo PL của pháp nhân hoặc người đại diện theo ủy quyền, và phải đóng dấu pháp nhân.
Phần phân tích mà mình trả lời thienbinhlaw chủ yếu muốn phân tích về hai hành vi pháp lý là Giao dịch dân sự và Khởi kiện và các ví dụ cũng như các nội dung mình đưa ra ở đó chỉ là dành riêng cho cá nhân thôi bạn nhé.
Cập nhật bởi thi_roby ngày 23/08/2013 11:04:29 SA