Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định phải ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng trong tất cả các giai đoạn tố tụng, trong đó có biện pháp xin lỗi người bị hại…
(1) Người chưa thành niên phạm tội phải xin lỗi người bị hại?
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.
Các biện pháp xử lý, xử phạt được quy định trong dự thảo hướng đến tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Xem Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf
Theo Điều 11 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng trong tố tụng như sau:
- Các biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng.
- Khi không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
- Việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng là thích hợp, vì lợi ích của người chưa thành niên và cộng đồng.
Các biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Tư pháp người chưa thành niên bao gồm:
- Khiển trách;
- Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.
- Xin lỗi người bị hại;
- Bồi thường thiệt hại;
- Tham gia chương trình học tập, dạy nghề;
- Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc;
- Lao động công ích;
- Cấm tiếp xúc;
- Cấm đến một địa điểm nhất định;
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
- Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Như vậy, người chưa thành niên phạm tội phải xin lỗi người bị hại là một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định trong Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Xem Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf
(2) Việc người chưa thành niên phạm tội xin lỗi người bị hại phải diễn ra như thế nào?
Người chưa thành niên phạm tội phải xin lỗi người bị hại ra sao, thế nào, có ai chứng kiến đều được quy định trong Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Căn cứ tại Điều 33 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, biện pháp xử lý chuyển hướng xin lỗi người bị hại được quy định như sau:
- Xin lỗi người bị hại được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Tư pháp người chưa thành niên sau khi có được sự đồng ý của người bị hại.
- Người được áp dụng biện pháp xin lỗi bị hại phải thực hiện xin lỗi công khai, thừa nhận hành vi sai trái của mình trước bị hại và có sự chứng kiến của người tiến hành tố tụng, người làm công tác xã hội, đại diện hợp pháp của mình và còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
- Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, người chưa thành niên phạm tội thực hiện việc xin lỗi nếu đủ các điều kiện tại Điều 29 Luật Tư pháp người chưa thành niên và có được sự đồng ý của bị hại.
Người được áp dụng biện pháp xin lỗi phải xin lỗi công khai trước sự chứng kiến của người tiến hành tố tụng, người bị hại và người đại diện hợp pháp của mình (cha, mẹ).
Tuy nhiên với quy định này, nhiều người băn khoăn là có một số trường hợp chỉ cần bảo trẻ đến xin lỗi, hoặc có thiệt hại thì gọi cha mẹ đến bồi thường, thì những trường hợp này có thể được giải quyết và xử lý ngay, nếu giao cho tòa phải chờ kết thúc điều tra, chưa kể phải mở phiên tòa hay phiên họp, gây lãng phí thời gian và nguồn lực.
Hiện nay, việc quy định xử lý theo biện pháp chuyển hướng đang có hai luồng ý kiến
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cả 3 cơ quan là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho tòa án để thực hiện đúng chức năng Hiến định: “Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”.
Theo chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, có những việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát hoàn toàn có thể làm được, không cần thiết phải chờ kết thúc điều tra mới ra tòa. “Năng động thì nên giao”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.
Xem Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/18/Du_thao_Luat_Tu_phap_nguoi_chua_thanh_nien.pdf