Theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
- Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
- Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Căn cứ theo quy định trên, pháp luật chỉ quy định độ tuổi tối thiểu, không quy định độ tuổi tối đa được phép vay ngân hàng, tổ chức tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc người 70 tuổi hoặc trên 70 tuổi vẫn là đối tượng được vay vốn từ ngân hàng.
Tuy nhiên cần lưu ý, khi ngân hàng nhận thấy khách hàng không có phương án sử dụng vốn khả thi hoặc không có khả năng tài chính để trả nợ thì ngân hàng có quyền từ chối cho vay.
Thực tế thì khi người lớn tuổi đi vay sẽ gặp một số khó khăn nhất định do ngân hàng loại trừ rủi ro người vay không có khả năng trả nợ do ốm đau, bệnh tật, chết trong khi chưa trả xong nợ.
Do đó, đối với trường hợp này, chị có thể đứng ra vay vốn, còn mẹ chị sẽ sử dụng tài sản của bà để thế chấp bảo đảm cho khoản vay. Vì việc thế chấp không ảnh hưởng bởi độ tuổi chủ tài sản nên mẹ chị khi thực hiện thủ tục này sẽ tương đối dễ dàng, không gặp quá nhiều khó khăn.