Người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối nhận lại tài sản thì xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #614771 02/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19274
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 412 lần


    Người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối nhận lại tài sản thì xử lý như thế nào?

    Trong quá trình thực hiện, không ít trường hợp người dân bị cưỡng chế thu hồi đất lại từ chối nhận lại tài sản. Vậy khi xảy ra tình huống này thì tài sản đó phải xử lý thế nào?

    (1) Người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối nhận lại tài sản thì xử lý như thế nào?

    Khi bị nhà nước thu hồi đất, người dân có quyền được bồi thường thỏa đáng. Thế nhưng, không phải lúc nào người dân cũng đồng ý với mức bồi thường này và việc từ chối nhận lại tài sản như một hình thức phản đối lại quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành để quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có quy định về cách xử lý khi gặp tình huống này.

    Theo đó, khoản 1 Điều 38 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định, khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mà người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế thu hồi đất giao tài sản cho các cơ quan sau để thực hiện bảo quản:

    - Kho bạc Nhà nước bảo quản đối với tài sản là tiền mặt, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ

    - Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý các tài sản như vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm

    - Đối với tài sản cây lâu năm hoặc rừng cây sau khi đốn hạ, thu hoạch được, cây cảnh có giá trị cao, động vật quý hiếm cần được bảo vệ thì giao cơ quan kiểm lâm tại địa phương hoặc giao cơ quan có chức năng quản lý về nông nghiệp để quản lý

    - UBND cấp xã bảo quản tài sản còn lại

    Như vậy, trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối nhận lại tài sản thì Ban cưỡng chế thu hồi đất sẽ tiến hành bảo quản tài sản đó để trao lại cho người bị cưỡng chế thu hồi đất.

    Việc bảo quản từng loại tài sản được chỉ định cho từng cơ quan bảo quản cụ thể nhằm giữ nguyên trạng, chất lượng tài sản cho người bị cưỡng chế thu hồi đất.

    (2) Việc bàn giao tài sản để bảo quản thực hiện ra sao?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, việc bàn giao tài sản để bảo quản được thực hiện như sau:

    - Ban cưỡng chế thu hồi đất lập biên bản, trong biên bản ghi rõ: họ và tên người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế; cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế; người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản; thời gian bàn giao bảo quản

    - Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đất, người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản.  Biên bản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

    - Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản. Cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi người giữ 01 bản

    - Chi phí bảo quản tài sản (nếu có) do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán và được trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi chi trả cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản

    - Người được giao bảo quản tài sản gây hư hỏng, đánh tráo, làm mất hoặc hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật;

    - Đối với những tài sản dễ bị hư hỏng, cháy nổ có giá trị lớn mà thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thì đơn vị được giao bảo quản tài sản thực hiện mua bảo hiểm, chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm thanh toán phí mua bảo hiểm khi nhận lại tài sản

    Như vậy, khi người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối nhận tài sản, cơ quan Nhà nước lập biên bản, tổ chức bảo quản tài sản và thông báo cho người bị cưỡng chế thu hồi đất đến nhận. Quy trình này đảm bảo quyền lợi của người bị cưỡng chế thu hồi đất và tính minh bạch trong việc quản lý tài sản của Nhà nước.

    Tuy nhiên, người bị thu hồi đất sẽ trả các chi phí như: chi phí bảo hiểm tài sản, chi phí bảo quản,...

    (3) Xử lý tài sản khi người bị cưỡng chế thu hồi đất không đến nhận lại tài sản

    Sau khi thực hiện bàn giao tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, Ban cưỡng chế thu hồi đất gửi thông báo cho chủ sở hữu tài sản đến nhận tài sản trong thời hạn 60 ngày.

    Theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trường hợp quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

    Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý, bán đấu giá tài sản, mua bảo hiểm đối với tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó.

    Ngoài ra, trường hợp tài sản hư hỏng và không còn giá trị, Ban cưỡng chế thu hồi đất tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật và lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy.

    Có thể thấy, pháp luật đã quy định rõ ràng, chi tiết từng bước xử lý tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất nhưng không đến nhận lại nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả người bị cưỡng chế thu hồi đất và Nhà nước.

     
    252 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận