Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo lực ra sao?

Chủ đề   RSS   
  • #603245 14/06/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo lực ra sao?

    Bạo lực gia đình là một vấn nạn lớn cần phải chấm dứt triệt để trong mỗi gia đình và trong xã hội hiện nay. Vậy để bảo vệ người bị bạo lực gia đình thì đối tượng bị bạo lực tác động được hỗ trợ ra sao? 
     
    nguoi-bi-bao-luc-gia-dinh-duoc-ho-tro-ngan-chan-hanh-vi-bao-luc-ra-sao
     
    1. Bạo lực gia đình được hiểu ra sao?
     
    Cụ thể khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có giải thích thuật ngữ “bạo lực gia đình” là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
     
    2. Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ những gì?
     
    Căn cứ Điều 22 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:
     
    - Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
     
    - Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
     
    - Cấm tiếp xúc;
     
    - Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;
     
    - Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;
     
    - Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;
     
    - Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
     
    - Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;
     
    - Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;
     
    - Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
     
    Việc áp dụng biện pháp nêu trên đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.
     
    3. Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc
     
    Trong trường hợp người bị tác động của hành vi bạo lực gia đình được giải quyết tại Tòa án thì căn cứ Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án.
     
    (1) TAND đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:
     
    + Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
     
    + Có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
     
    Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.
     
    (2) TAND đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người bị bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi cần bảo vệ tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
     
    (3) Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình và VKSND cùng cấp.
     
    (4) Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc tại mục (1) hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi có đơn yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
     
    (5) Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại mục (2) hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.
     
    (6) Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
     
    (7) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
     
    Như vậy, người bị bạo lực gia đình sẽ được bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình ngoài ra, được trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.
     
    655 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    admin (06/07/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận