NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN PHÁP LÝ: TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN VẢI

Chủ đề   RSS   
  • #166565 20/02/2012

    thanhlawyer

    Male


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/01/2012
    Tổng số bài viết (44)
    Số điểm: 1865
    Cảm ơn: 5
    Được cảm ơn 28 lần


    NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN PHÁP LÝ: TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN VẢI

    Nguyên đơn: Công ty May Xuất khẩu Việt Nam ( Người mua )
    Bị đơn: Công ty Hàn Quốc ( Người bán )

    CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐỀ CẬP:

    - Mua hàng theo mẫu;
    - Giá trị pháp lý của mẫu hàng;
    - Nghĩa vụ cung cấp mẫu hàng;
    - Giá trị pháp lý của chứng thư giám định.

    TÓM TẮT VỤ VIỆC:

    Nguyên đơn và Bị đơn ký hai Hợp đồng mua vải. Trong các điều khoản của Hợp đồng, đáng lưu ý có các điều khoản sau:
    - Chất lượng của hàng hóa sẽ dựa theo mẫu LABDIP ( Điều 2 Hợp đồng );
    - Giám định trước khi gửi hàng do nhà sản xuất thực hiện là cuối cùng và có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên ( Điều 7 Hợp đồng ).
    Sau khi nhận hàng của Bị đơn, Nguyên đơn đã chuyển số vải cho một đơn vị gia công hàng của Nguyên đơn để kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào gia công.Tuy nhiên, do lỗi vải quá nhiều nên đơn vị gia công đã từ chối nhận vải của Nguyên đơn. Nguyên đơn đã mời đại diện của Bị đơn là ông A (Trưởng văn phòng đại diện của Bị đơn ) đến kiểm tra chất lượng vải. Sau khi kiểm tra vải đại diện Bị đơn đồng ý để Nguyên đơn mời Công ty X giám định chất lượng vải của Hợp đồng. Sau đó, Nguyên đơn nhận được kết quả giám định của Công ty X với nội dung “toàn bộ lô hàng không sử dụng được trong công nghệ cắt may công nhiệp hàng loạt”.
    Do hai bên không giải quyết được tranh chấp về chất lượng nên Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn ra Trọng tài, yêu cầu Bị đơn hoàn trả lại cho Nguyên đơn 44.089,2USD gồm các khoản sau:

    - Trị giá Hợp đồng : 31.669,2USD
    - Chi phí nhận hàng : 300USD
    - Lãi suất đến ngày khởi kiện : 675,61USD
    - Tiền phạt mà Nguyên đơn bị khách hàng phạt do không có hàng để giao : 11.445USD.

    Lập luận của Bị đơn :

    - Bị đơn đã hoàn thành các cam kết theo Hợp đồng; chất lượng hàng giao phù hợp với Hợp đồng và mầu sắc như mẫu chào bán, mẫu LABDIP theo như Điều 2 của Hợp đồng. Hàng đã được giám định bởi nhà sản xuất trước khi gửi hàng đúng theo như Điều 7 của Hợp đồng.
    - Khiếu nại của Nguyên đơn về chất lượng và mầu sắc vải là thiếu căn cứ vì Bên mua đã đơn phương trưng cầu Công ty X giám định, một giám định ngoài Hợp đồng, không có giá trị pháp lý ràng buộc. Theo Điều 7 của Hợp đồng, giám định trước khi gửi hàng được thực hiện bởi nhà sản xuất và giám định này là cuối cùng, có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên.
    - Biên bản làm việc với ông A là vô hiệu vì ông A không được ủy quyền để ký Biên bản làm việc và cũng không được ủy quyền để giải quyết vụ tranh chấp này. Vào thời điểm ký Biên bản, ông A không còn làm việc cho Bị đơn.
    - Giám định của Công ty X không chính xác, cách thức kiểm tra không chuẩn, không có căn cứ vào mẫu LABDIP để giám định chất lượng và mầu sắc của lô hàng. Việc giám định mà không đối chiếu với mẫu LABDIP là không có giá trị pháp lý.
    Từ những lập luận nêu trên, Bị đơn đề nghị Hội đồng Trong tài tuyên bố Bị đơn đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng và bác đơn kiện của Nguyên đơn.
    Tại phiên xét xử, Hội đồng Trọng tài đã yêu cầu Nguyên đơn và Bị đơn cung cấp mẫu LABDIP. Nguyên đơn đã cung cấp cho Hội đồng Trọng tài mẫu LABDIP, còn Bị đơn không cung cấp được mẫu LABDIP với lý do bị Nguyên đơn lấy mất mẫu LABDIP. Bị đơn đã phản bác mẫu LABDIP do Nguyên đơn xuất trình và trên mẫu LABDIP không có chữ ký và con dấu của đại diện có thẩm quyền của hai bên.

    QUYẾT ĐỊNH CỦA TRỌNG TÀI

    Nguyên đơn và Bị đơn ký Hợp đồng mua bán theo mẫu LABDIP. Tuy nhiên, cả hai bên đã không tuân thủ các quy định về việc lấy mẫu và bảo quản mẫu.
    - Về mẫu LABDIP do Nguyên đơn xuất trình : Nguyên đơn đã không tuân thủ các quy định về việc lấy mẫu. Cụ thể, trên mẫu LABDIP không có chữ ký và con dấu của đại diện Nguyên đơn và Bị đơn, không được niêm phong. Do vậy, không có cơ sở để xác định đây là mẫu LABDIP.
    - Về việc Bị đơn không xuất trình mẫu LABDIP : Hội đồng Trọng tài không chấp nhận trình bày của Bị đơn. Hai bên thỏa thuận mua bán theo mẫu, với tư cách là Bên bán, Bị đơn phải có nghĩa vụ cung cấp mẫu vải và đặc biệt phải giữ và bảo quản mẫu trong mọi trường hợp để làm căn cứ chứng minh khi có khiếu nại về chất lượng hàng hóa. Là Bên bán nên Bị đơn biết rõ giá trị pháp lý và tầm quan trọng của mẫu LABDIP. Lý do bị mất mẫu mà Bị đơn đưa ra không chính đáng. Bị đơn đã không có bất kỳ hành động gì để bảo vệ quyền lợi của mình ngay khi bị mất mẫu. Bị đơn không chứng minh được Nguyên đơn đã lấy mẫu LABDIP của Bị đơn. Do vậy, Bị đơn phải tự chịu trách nhiệm về việc này.
    - Về kết quả giám định của Công ty X :
    Việc Nguyên đơn khi phát hiện hàng hóa chất lượng không phù hợp với Hợp đồng nên mời giám định là quyền của Nguyên đơn. Tuy giám định của Công ty X không được quy định trong Hợp đồng nhưng, trong trường hợp không đồng ý với kết luận giám định của Công ty X thì Bị đơn có quyền chỉ định tổ chức giám định khác giám định lại chất lượng lô hàng để chứng minh mình đã giao hàng phù hợp với quy định của Hợp đồng. Tuy nhiên, Bị đơn đã không làm việc này và cũng không xuất trình được mẫu LABDIP. Vậy, Bị đơn dựa trên căn cứ nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi có khiếu nại về chất lượng lô hàng đã giao?
    Công ty X là một Công ty giám định độc lập. Hội đồng trọng tài không chấp nhận giải trình của Bị đơn cho rằng ông A không được ủy quyền để ký Biên bản nêu trên với lý do vào thời điểm ký Biên bản ông A không còn làm việc cho Bị đơn vì trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng, ông A là đại diện của Bị đơn, trực tiếp giao dịch với Nguyên đơn. Biên bản chọn giám định ghi: Đại diện Bị đơn là ông A. Lẽ ra, nếu có thay đổi Trưởng đại diện, nhất là vào thời điểm đang có tranh chấp, thì Bị đơn phải thông báo cho Nguyên đơn biết. tuy nhiên, Bị đơn đã không làm việc này.
    Tuy không hoàn toàn dựa vào kết quả giám định của Công ty X trong việc giải quyết vụ kiện, nhưng Hội đồng Trọng tài công nhận kết luận giám định của Công ty X “toàn bộ lô hàng không sử dụng được trong công nghệ cắt, may công nghiệp hàng loạt”. Hội đồng Trọng tài cho rằng Bị đơn đã biết rất rõ Nguyên đơn mua vải của Bị đơn là để gia công may xuất khẩu. Quá trình xác định mẫu vải còn có đại diện khách hàng của Nguyên đơn cùng tham gia. Do vậy, Bị đơn phải chịu trách nhiệm về chất lượng lô hàng này. Mặt khác, Nguyên đơn cũng chưa xuất trình đầy đủ chứng cứ để yêu cầu Bị đơn phải hoàn trả cho Nguyên đơn toàn bộ số tiền nêu trong đơn kiện là 44.089,81 USD.
    Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng Trọng tài cho rằng cả Nguyên đơn và Bị đơn đều có lỗi trong vụ việc này và quyết định như sau:
    - Buộc Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn các khoản tiền sau:
    + 10.556,4 USD, tức 1/3 tổng trị giá lô hàng thuộc Hợp đồng là 31.669,2 USD.
    + 225,20 USD, tức 1/3 số tiền lãi tính đến ngày xét xử.
    - Nguyên đơn được sở hữu toàn bộ lô hàng nhập khẩu nói trên.
    - Bác các yêu cầu khác của Nguyên đơn.
    - Nguyên đơn phải chịu 2/3 phí Trọng tài. Bị đơn phải chịu 1/3 phí Trọng tài.

    BÌNH LUẬN VÀ LƯU Ý

    Trong vụ kiện trên, hai bên mua bán theo mẫu nhưng cả hai bên đều không thực hiện đúng quy trình lấy mẫu và bảo quản mẫu. Thông thường, trong mua bán quốc tế, khi mua bán hàng theo mẫu thì phải có tối thiểu là 3 mẫu. Người bán giữ một mẫu, người mua giữu một mẫu và một mẫu gửi cho tổ chức độc lập, trung gian. Ngoài ra, khi lấy mẫu thì các bên phải ký xác nhận, niêm phong, đóng dấu. Sau đó, mẫu phải được bảo quản trong điều kiện an toàn để làm căn cứ đối chiếu với hàng thực giao.
    Về giám định chất lượng hàng hóa, việc Bên mua thỏa thuận để kết quả giám định của nhà sản xuất có giá trị cuỗi cùng là một sơ suất lớn. Trong thực tế, khi sản xuất ra một sản phẩm,nhà sản xuất phải công bố các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm. Đây là nghĩa vụ đương nhiên của nhà sản xuất. Các kết luận của nhà sản xuất về quy cách, phẩm chất của hàng hóa chỉ là sự xác nhận đơn phương, không có giá trị ràng buộc đối với bên thứ ba, nhất là với bên mua. Trong thực tế có thể có sự khác nhau về chỉ tiêu chất lượng giữa sản phẩm được sản xuất ra và các chỉ tiêu do nhà sản xuất công bố. Trong trường hợp đó phải có sự kết luận của tổ chức giám định trung gian, độc lập mới có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong vụ kiện này, Nguyên đơn đã chấp nhận kết quả kiểm tra của nhà sản xuất có giá trị cuối cùng tức là đã loại trừ vai trò của tổ chức giám định.

    Trích dẫn từ: http://www.vietship.vn/showthread.php?t=5255

    ---------------------------------
    CÔNG TY LUẬT TNHH MTV LUẬT SƯ RIÊNG
    61 Nguyễn Thị Định, An Phú, Quận 2, TP.HCM

    Mobile: 0985.307.683
    Website: www.luatsurieng.net. .Email: info@luatsurieng.net. .Diễn đàn: www.tranhluanphapluat.com


    Mr Thành

    Mobile: 0985.307.683

    Email:thanh.chu@luatsurieng.net ; chuthanhlps@yahoo.com.vn

     
    7968 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn thanhlawyer vì bài viết hữu ích
    chaulevan (01/03/2012)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận