Ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/19/NQ-04-2024.pdf Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP
Cụ thể, Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP sẽ hướng dẫn áp dụng các điều tại Bộ Luật Hình sự 2015 bao gồm:
- Điều 347, 348 và 349 Bộ Luật Hình sự 2015 về hành vi xuất nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép.
- Điều 287 Bộ Luật Hình sự 2015 về hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép.
- Điều 188, 189, 198 và 341 Bộ Luật Hình sự 2015 về hành vi xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản.
(1) 08 hành vi liên quan đến khai thác trái phép thủy sản sẽ bị truy cứu TNHS
Theo Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP, có tất cả là 08 hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
- Khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
- Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.
- Khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
- Người nước ngoài đưa tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam.
- Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép
- Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
- Buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản.
(2) Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản
Tại Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vi phạm hành vi này như sau:
- Buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị truy cứu TNHS về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ Luật Hình sự 2015, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
- Vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì bị truy cứu về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định tại Điều 189 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
- Dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì bị truy cứu về tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ví dụ: A đánh bắt trái phép cá ngừ tại vùng biển Việt Nam nhưng làm hồ sơ, hợp thức hóa số cá ngừ nêu trên có nguồn gốc xuất xứ từ nước B để xuất khẩu đi nước C thì trường hợp này, anh A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ Luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 11 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP cũng có nêu rõ, đối với những trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày 01/8/2024 theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực thì sẽ không căn cứ vào Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP để thực hiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Xem chi tiết tại Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.