Vào đêm 20/7, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một video clip ghi lại cảnh tượng người dân huyện Thanh Hà, Hải Dương bắt giữ một nhóm gồm 3 người đi xe ô tô Fortuner biển Hải Dương. Đám đông còn đập phá và đốt chiếc xe ô tô. Thông tin đăng tải trên mạng xã hội còn cho rằng nhóm người trong xe ô tô thôi miên, bắt cóc trẻ em, bị người dân phát giác.
Những hình ảnh và thông tin này thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Để tìm hiểu rõ thực hư sự việc, sáng ngày 21/7, ông Vũ Xuân Hào – Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương, xác nhận có xảy ra sự việc trên tại địa bàn xã. Tuy nhiên ông khẳng định: “Thông tin cho rằng nhóm người trên xe ô tô có hành động bắt cóc trẻ em là hoàn toàn không đúng sự thật”. Ông cho biết thêm, lực lượng công an huyện, cơ động đã được huy động đến để đảm bảo an toàn cho những người đã bị dân bắt giữ. Chiếc xe Fortuner đã bị đốt cháy trơ khung. Lãnh đạo huyện Thanh Hà đang có mặt tại hiện trường để điều tra, làm rõ vụ việc.
Ý kiến trả lời của Luật sư như sau:
Hành vi của những người dân bắt giữ người trái phép và đốt phá chiếc xe Fortuner đã xâm phạm quyền tự do của công dân và xâm phạm sở hữu.
Cụ thể, với hành vi bắt giữ người trái phép, các cá nhân trực tiếp thực hiện hành vi này có thể cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 BLHS hiện hành. Theo thông tin trên truyền thông thì người dân mới tiến hành bắt và giữ người trái phép 2 người trong 3 người trên xe Fortuner mà chưa có hành vi giam trái phép. Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc tuy có lệnh của những người có thẩm quyền nhưng việc tiến hành bắt không đúng thủ tục như bắt người vào ban đêm (sau 22 giờ) mà không thuộc trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Hình thức bắt có thể là dùng vũ lực như trói, khoá tay hoặc đe doạ dùng vũ lực buộc người bị bắt phải đến nơi mà người phạm tội đã chọn. Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người không có lệnh của người có thẩm quyền; giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ. Với hành vi cụ thể trong trường hợp này thì các cá nhân trực tiếp thực hiện hành vi có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Với hành vi đốt phá chiếc xe Fortuner của người dân thì có thể cấu thành tội Hủy hoại tài sản của người khác theo Điều 143 BLHS hiện hành. Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Ở đây, chiếc xe ô tô đã bị cháy hoàn toàn, không thể khôi phục lại được. Với hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả cụ thể như vậy thì các cá nhân thực hiện hành vi đốt phá chiếc xe Fortuner có thể bị truy cứu theo Khoản 2 Điều 143 với tình tiết tăng nặng là dùng chất cháy nổ. Với hành vi này có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, tùy vào mức độ tham gia của từng cá nhân.
Tình trạng do nghi ngờ mà người dân đã trực tiếp thực hiện bắt giữ người, thậm chí đánh đập và phá hoại tài sản diễn ra không chỉ một hai trường hợp. Khi đó, mọi người kích động, chưa xác định cụ thể hành vi, mới dừng lại ở nghi ngờ mà đã thực hiện những hành vi trái pháp luật. Lời khuyên cho mọi người vào trường hợp này là cần xác minh cụ thể hành vi, sau đó tiến hành trình báo với cơ quan chức năng gần nhất, tránh trường hợp có những hành động không sáng suốt, biến mình từ “muốn bắt giữ tội phạm trở thành tội phạm”.