Nghị định do Chính phủ ban hành còn Thông tư do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Thoạt đầu, cứ ngỡ Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư bởi cơ quan ban hành của Nghị định là cao hơn.
Điều này đồng nghĩa cùng một vấn đề nhưng thông tư quy định trái với Nghị định thì sẽ áp dụng Nghị định.
Tuy nhiên, theo Nghị định40/2010/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật nếu Thông tư ban hành trái với Nghị định thì Thông tư đó sẽ bị đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ.
Như vậy, nếu Thông tư đó không bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ theo quy định thì mặc nhiên hiểu Thông tư đó có giá trị pháp lý và được áp dụng; điều khoản “trái” của Thông tư sẽ vô hiệu hóa quy định tại Nghị định.
Mặt khác trong đời sống thực tiễn có hai cách hiểu ngầm (không cần phân biệt đúng sai) trong việc thực thi pháp luật:
*Một là, truyền thống chờ đợi: Luật có hiệu lực nhưng chưa được áp dụng mà phải chờ Nghị định, Nghị định ra đời không thể thực thi vì phải chờ Thông tư hướng dẫn. Bởi thế không cần đọc và hiểu Luật, Nghị định mà chỉ nắm rõ thông tư mà áp dụng. Nên cơ quan nhà nước hành pháp theo Thông tư.
*Hai là, nghe lệnh người trực tiếp: Thông tư là văn bản mang tính “chỉ đạo” của bộ trong một lĩnh vực nhất định nên cơ quan cấp dưới sẽ tuân theo hướng dẫn của bộ (vì nó rõ ràng và là “chỉ đạo” trực tiếp), nếu làm trái bộ thì sẽ bị “xử lý”.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy:
*Lý luận: Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư;
*Thực tiễn: Thông tư có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định.
Như vậy giữa lý luận và thực tiễn đã có độ chênh rất lớn, thâm chí như hai thái cực đối lập nhau.
Đó là chia sẻ quan điểm của tôi, còn thành viên Dân Luật thì sao? Rất mong nhận được những ý kiến trái chiều.