Nghị định số 90/2011/NĐ-CP: Hành lang pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp huy động vốn

Chủ đề   RSS   
  • #157189 24/12/2011

    giakhanh1809

    Male
    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/08/2011
    Tổng số bài viết (51)
    Số điểm: 490
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 19 lần


    Nghị định số 90/2011/NĐ-CP: Hành lang pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp huy động vốn


    Để tiếp tục thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tạo một hành lang pháp lý tốt cho doanh nghiệp trong huy động vốn, ngày 14/10/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bài viết phân tích, bình luận những quy định mới quan trọng tại Nghị định này.

    Là một kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp (DN), thị trường trái phiếu DN (TPDN) có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thị trường vốn. Tuy nhiên, thị trường TPDN của Việt Nam hiện nay vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, quy mô còn nhỏ, mang tính riêng lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng và nhu cầu của DN. Số lượng DN phát hành trái phiếu (TP) chiếm tỷ trọng rất nhỏ. TP chào bán trên thị trường ở mức khiêm tốn và chất lượng chưa cao, tập trung chủ yếu ở TP ngân hàng và TP bất động sản. Quy mô của thị trường TP Việt Nam (gồm cả TP Chính phủ) hiện ở mức 17% GDP (thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực: tỷ lệ này ở Singapore là 74%, Trung Quốc là 53%, Malaysia là 82%, Thái Lan là 58%). Phát hành TPDN chưa được sử dụng như một cách thức huy động vốn dài hạn hữu hiệu của các DN Việt Nam, trong khi đó phát hành TPDN thường có những lợi thế hơn hẳn so với các kênh huy động vốn khác như không phải chịu sức ép chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản lãi trả TP, trong khi các khoản trả cổ tức không phải tuân thủ các điều kiện vay vốn khắt khe của các ngân hàng thương mại. 

    Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tâm lý của nhà đầu tư không thích đầu tư vào TPDN vì sợ rủi ro cao, lãi suất TP thấp, vấn đề công bố thông tin của DN phát hành, quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành TPDN còn chưa thích hợp… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa ở đây phải kể đến là nguyên nhân pháp luật, cụ thể là một số quy định tại Nghị định52/2006/NĐ-CP năm 2006 về phát hành TPDN không còn phù hợp với thực tiễn phát triển thị trường chứng khoán, nhiều quy định mâu thuẫn với các văn bản pháp lý khác và không phù hợp với thông lệ quốc tế. 

    Nhằm khơi thông dòng vốn trên thị trường này, ngày 14/10/2011, Chính phủ đã ban hành
    Nghị định số90/2011/NĐ-CP (Nghị định 90) thay thế Nghị định số52/2006/NĐ-CP về phát hành TPDN và nội dung phát hành TPDN ra thị trường vốn quốc tế quy định tại Nghị định số53/2009/NĐ-CP ngày 04/6/2009 của Chính phủ về phát hành TP quốc tế. Nghị định 90 ra đời có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2011 nhằm bảo đảm quyền của DN trong việc chủ động tiếp cận nguồn vốn trong xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư TPDN. 

    Theo đó việc phát hành TP của các DN thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Trường hợp quy định của pháp luật chuyên ngành khác với quy định tại Nghị định này, DN phát hành TP thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Mục đích của việc phát hành TP nhằm thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN; tăng quy mô vốn hoạt động hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của DN. Nghị định không chỉ quy định rõ nguyên tắc phát hành TP, loại hình và hình thức TP, kỳ hạn TP, đồng tiền phát hành và thanh toán TP cũng như việc chuyển nhượng TP… mà còn quy định chi tiết các điều kiện, phương án, lãi suất, phương thức phát hành… đối với việc phát hành TP trong nước và phát hành TP ra thị trường quốc tế. 

    So với các quy định trước, Nghị định 90 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh; nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với phát hành TPDN; Cụ thể hóa về thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành TP của DNNN; Quy định thêm phương thức phát hành TP... Cụ thể: 

    Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định 90 đã điều chỉnh cả việc phát hành TP riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và việc phát hành TP ra thị trường quốc tế của DN để thay thế cả Nghị định số52/2006/NĐ-CP và Nghị định số53/2009/NĐ-CP. Bên cạnh đó, điều chỉnh cả việc phát hành TP của tổ chức tín dụng, đồng thời, ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành ngân hàng đối với việc phát hành TP của các tổ chức tín dụng như: Việc phát hành TP của các DN thuộc lĩnh vực ngân hàng, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định 90, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan; Trường hợp quy định của pháp luật về ngân hàng khác với quy định tại Nghị định 90, thì tổ chức tín dụng phát hành TP phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. 

    Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với phát hành TPDN: Nhằm nâng cao trách nhiệm của DN khi huy động vốn thông qua phát hành TP và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mua TP của DN, Nghị định 90 đã quy định các điều kiện phát hành TPDN theo hướng chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành. 

    - Đối với việc phát hành TP để đầu tư cho các chương trình, dự án, DN phát hành phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% trong tổng mức đầu tư của chương trình, dự án (khoản 4 Điều 4). Quy định này nhằm bảo đảm các DN phải có năng lực tài chính, có khả năng trả nợ mới được phát hành TP để huy động vốn. 

    - Đối với DN phát hành TP tại thị trường trong nước, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi và phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề đó. 

    - Đối với trường hợp DN phát hành TP trước ngày 01/4 hàng năm chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước. Trường hợp này, DN phải có: (i) báo cáo tài chính được kiểm toán của năm trước năm liền kề với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi; (ii) báo cáo tài chính quý gần nhất với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi được kiểm toán (nếu có); (iii) báo cáo tài chính của năm liền kề với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt. 

    - Đối với việc phát hành TP ra thị trường quốc tế, Nghị định 90 quy định kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 năm liên tiếp liền kề trước năm phát hành của DN phát hành TP ra thị trường quốc tế phải có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Mặt khác, Nghị định 90 quy định báo cáo tài chính được kiểm toán của DN (cả trong trường hợp phát hành TP trong nước và phát hành TP ra thị trường quốc tế) phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần (Điều 13 và Điều 23), DN không được phát hành TP trong trường hợp báo cáo tài chính được kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán. 

    - Đối với việc phát hành TP của các DN đặc thù như tổ chức tín dụng, Nghị định 90 có quy định bổ sung là phải đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại pháp luật chuyên ngành. 

    - Đối với việc phát hành trái phiểu chuyển đổi thì các đợt phát hành TP chuyển đổi phải cách nhau ít nhất 6 tháng để phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán. 

    Về thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành TP của DNNN: 

    Đối với trường hợp phát hành TP trong nước, phương án phát hành TP của DNNN phải được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận trước khi tổ chức phát hành, cụ thể: Đối với DNNN 100% vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thì phương án phát hành TP phải được Bộ quản lý ngành kinh doanh chính xem xét, chấp thuận; Đối với DN 100% vốn Nhà nước do Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và làm chủ sở hữu, thì phương án phát hành TP phải được Bộ, ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chấp thuận; Đối với DNNN được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên, thì phương án phát hành TP phải được tổ chức được giao chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại DN xem xét chấp thuận. Đối với trường hợp phát hành TP ra thị trường quốc tế, phương án phát hành TP của DNNN phải được chủ sở hữu thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. 

    Về phương thức phát hành TP: Theo quy định tại Nghị định số52/2006/NĐ-CP, DN phát hành TP theo một trong 3 phương thức: Đấu thầu phát hành, Bảo lãnh phát hành; và Đại lý phát hành. Đến nay, Nghị định 90 bổ sung thêm phương thức phát hành TP của tổ chức tín dụng. Cụ thể, bên cạnh 3 phương thức là đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành, Nghị định 90 quy định tổ chức tín dụng được phát hành TP bằng phương thức bán trực tiếp cho các nhà đầu tư. 


    Nguyên tắc phát hành TP: DN phát hành TP theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn; Các hoạt động phát hành TP phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Việc phát hành TP để cơ cấu lại nợ phải đảm bảo nguyên tắc không phát hành TP ra thị trường quốc tế để cơ cấu lại nợ bằng đồng Việt Nam; Đối với phát hành TP để đầu tư cho các chương trình, dự án, DN phát hành phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% trong tổng mức đầu tư của chương trình, dự án; Đối với trường hợp DN phát hành TP ra thị trường quốc tế, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về vay và trả nợ nước ngoài. Nghị định cũng quy định 2 loại hình TPDN là TP chuyển đổi (do công ty cổ phần và công ty TNHH phát hành) và TP không chuyển đổi (do công ty cổ phần phát hành). TPDN có kỳ hạn từ 1 năm trở lên. DN phát hành quyết định kỳ hạn TP trên cơ sở nhu cầu sử dụng vốn và công bố tại phương án phát hành. Mệnh giá tối thiểu của TP trong nước là 100.000 đồng, các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng. Đối với việc phát hành TP ra thị trường quốc tế, DN phát hành xây dựng phương án phát hành TP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận theo quy định. Phương án phát hành TP phải có dự kiến đồng tiền phát hành và thanh toán TP, dự kiến nhà bảo lãnh phát hành, tư vấn pháp lý, các đại lý liên quan, kế hoạch bố trí nguồn vốn, phương thức thanh toán gốc, lãi và xử lý các rủi ro tài chính… 

    Các quy định của Nghị định 90 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chủ động trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành TP, góp phần hỗ trợ việc hình thành và phát triển thị trường vốn, thị trường TP ở Việt Nam, mặt khác cũng tạo cơ sở pháp lý tăng cường quản lý, giám sát đối với việc phát hành TP của các DN để hoạt động này an toàn, hiệu quả hơn. Cùng với đó để siết lại việc DN vay vốn nước ngoài tràn lan, gây áp lực lên cán cân thanh toán và tổng nợ nước ngoài nhưng sẽ gây khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề tạo sự băn khoăn đối với các DN là nghị định này có thể sẽ gây trở ngại khi có một số quy định can thiệp vào hoạt động của DN. 

    Theo Nghị định 90, việc phát hành TPDN nhằm mục đích “thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của DN; tăng quy mô vốn hoạt động của DN; cơ cấu lại các khoản nợ của DN”. Nhiều quy định trên sẽ khó đáp ứng được mục tiêu. Ví dụ, một trong những quy định mới là không được phát hành TP ra thị trường quốc tế để cơ cấu lại nợ bằng đồng Việt Nam. Quy định này nhằm hạn chế việc chuyển nợ trong nước thành nợ nước ngoài, gây áp lực lên tỷ giá, cán cân ngoại hối. Thế nhưng, trong tình hình khó khăn về nguồn vốn như hiện nay thì việc cấm đoán nói trên lại gây khó khăn cho DN. Thực tế, nhiều DN kinh doanh bất động sản đang phải trả lãi vay tiền đồng với lãi suất là trên 20%/năm nên họ rất mong muốn đi vay nước ngoài hoặc phát hành TP bằng đôla cho nước ngoài với lãi suất chỉ khoảng 11-12%/năm để có tiền trả nợ trước hạn khoản vay tiền đồng. 

    Một quy định khác có thể gây khó khăn cho mục tiêu cơ cấu lại các khoản nợ của DN là yêu cầu phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% trong tổng mức đầu tư khi phát hành TP để đầu tư cho các chương trình, dự án. Quy định này chỉ nên áp dụng với DNNN, còn áp dụng với các DN khác là can thiệp vào quyền tự chủ của DN. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc phát hành TP là nhằm bổ sung vốn lưu động hoặc công ty mẹ huy động vốn nhằm thực hiện dự án của công ty con. Nghị định không đề cập tới các trường hợp này và không rõ là tỷ lệ vốn chủ sở hữu sẽ áp dụng như thế nào. 

    Bên cạnh đó, theo Nghị định 90 muốn phát hành TP trong nước DN phải đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh của năm liền kề có lãi (tương tự quy định hiện hành). Còn đối với phát hành TP quốc tế thì DN phải đảm bảo ba năm có lãi liên tục (các nghị định trước không quy định). Các quy định nói trên hoàn toàn trái với điều 88 của Luật DN về quyền phát hành TP và đã tước đi quyền chủ động huy động vốn của DN tư nhân. Trên thực tế một công ty có thể thực hiện nhiều dự án và họ thường lập một công ty con để thực hiện một dự án cụ thể. Quy định về số năm có lãi sẽ không cho các công ty dự án hoặc công ty con được phát hành TP. 

    Có thể nói, việc quy định DN phát hành TP phải có lãi là cần thiết nhằm ngăn ngừa rủi ro và bảo vệ an toàn cho các trái chủ. Thực tế, trong tình hình thiếu vốn như hiện nay nhiều công ty tìm cách phát hành TPDN bằng cách đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn lên tới 21-22%/năm hoặc cao hơn nữa. Tình hình này tạo không ít người lo ngại về rủi ro cho các trái chủ khi công ty phát hành thua lỗ, phá sản, tuy nhiên, mua TP cũng là một hình thức đầu tư mà đã đầu tư thì phải chọn mặt gửi vàng và chấp nhận còn với DN muốn thu hút vốn thành công thông qua phát hành TP thì cũng phải nâng cao uy tín, hiệu quả quản trị và hoạt động sản xuất kinh doanh. 

    Xem thêm các tin tức khác

     
    5575 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #587061   30/06/2022

    danluan123
    danluan123
    Top 50
    Male
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:14/07/2020
    Tổng số bài viết (1195)
    Số điểm: 8720
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 96 lần


    Nghị định số 90/2011/NĐ-CP: Hành lang pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp huy động vốn

    Theo quy định điều chỉnh hiện tại thì vấn đề phạm vi điều chỉnh; nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với phát hành TPDN; Cụ thể hóa về thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành TP của DNNN; Quy định thêm phương thức phát hành TP đã được mở rộng so với trước đây, điều này phù hợp với thực tế hơn

     

     
    Báo quản trị |  
  • #587189   30/06/2022

    leehuy97
    leehuy97
    Top 500
    Chồi

    Vietnam
    Tham gia:29/06/2022
    Tổng số bài viết (214)
    Số điểm: 1398
    Cảm ơn: 3
    Được cảm ơn 13 lần


    Cảm ơn thông tin bài viết của bạn. Bài viết cho biết về quy định mới được ban hành  nhằm bảo đảm quyền của DN trong việc chủ động tiếp cận nguồn vốn trong xã hội và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư TPDN, giải quyết được tâm lý sợ đầu tư vào TP vì rủi ro cao và lãi suất thấp.

     
    Báo quản trị |