Vừa qua Thư viện pháp luật đã có bài phỏng vấn luật sư Đinh Xuân Hồng về hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc trong Nđ 71/2012 mà trong những ngày gần đây dư luận đang rất xôn xao:
Xoay quanh Nghị định 71/2012/NĐ-CP về việc Sửa đổi bổ sung quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực ngày 10/11 vừa qua, không ít chủ phương tiện cũng như lực lượng thi hành đã tỏ ra lúng túng trong việc thực thi.
Nhằm giúp người tham gia giao thông hiểu rõ, hiểu đúng một số điểm mới và những vấn đề quan trọng trong nghị định, Thư Viện Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đinh Xuân Hồng – Luật sư Điều hành, Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Riêng về vấn đề này.
TVPL: Luật sư vui lòng điểm sơ qua một số điểm mới trong nghị định so với nghị định cũ năm 2010?
LS: Nghị định 71/2012/NĐ–CP sửa đổi bổ sung Nghị định 34/2010: Tổng số Điều được sửa đổi bổ sung là 19 Điều, đa số là sửa đổi theo hướng tăng số hành vi vi phạm và tăng mức phạt vi phạm chủ yếu là đối với hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; mở rộng thí điểm áp dụng mức phạt cao hơn ở các thành phố trực thuộc trung ương (trước đây chỉ thí điểm cao đối với Hà Nội và TP.HCM).
Riêng việc tăng mức xử phạt đối với chủ phương tiệntại Nghị định 71/2012 có mức tăng cao nhất từ 6 đến 8 lần so với Điều 33 Nghị định 34/2010. Đối với xe gắn máy: mức cũ 100.000 - 200.000 lên mức mới là 800.000 đến 1.200.000 đồng. Đối với ô tô: mức cũ từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng lên mức mới 6.000.000 – 10.000.000 đồng.
TVPL: Xin Luật sư đưa ra hai vấn đề xử phạt nặng được vi phạm thường xuyên để người dân nắm rõ hơn?
LS: Các lỗi người tham gia giao thông thường hay mắc phải là điều khiển xe khi nồng độ cồn quá quy định và vượt tốc độ.
Đối với người điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm này bị phạt từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng, thay cho mức phạt hiện nay là từ 500.000-1.000.000 đồng. Bổ sung việc tước giấy phép lái xe 60 ngày nếu nồng độ cồn cao hoặc tước giấy phép không thời hạn nếu gây tai nạn nghiêm trọng. Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 – 10.000.000 đồng (mức cũ từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng)
Đối với người điều khiển xe tốc độ vượt quá quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 10 -20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng (mức cũ 200.000 – 400.000). Người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng (mức cũ 500.000 - 1.000.000 đồng). Đối với ô tô: Phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng (mức cũ 300.000 - 500.00 đồng) đồng đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h. Trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10-20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng (mức cũ 800.000 - 1.200.000 đồng). Phạt tiền từ 8.000.000 – 10.000.000 đồng (mức cũ 4.000.000 – 6.000.000 đồng) đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.
TVPL: Hiện nay, đại đa số người tham gia giao thông đều hiểu sai về vấn đề “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” với việc điều khiển phương tiện giao thông mà mình “không đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký xe”, xin Luật sư giải thích rõ hơn?
LS: Việc đi xe không chính chủ (người điều khiển phương tiện giao thông không phải là người đứng tên trong Giấy Đăng ký xe) là chuyện rất bình thường ở nước ta. Việc đi xe không chính chủ không phải là hành vi vi phạm pháp luật hành chính và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không bị xử phạt khi đi xe không chính chủ trừ trường hợp không thực hiện việc thủ tục sang tên.
Theo Thông tư 36/2010/TT-BCA Chủ xe phải làm“giấy báo bán, cho, tặng, điều chuyển xe” gửi đến nơi đăng ký xe để thông báo thời điểm chủ xe mới mới hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý về việc sử dụng lưu hành xe theo quy định của pháp luật. Chủ xe mới phải làm thủ tục sang tên, di chuyển trong vòng 30 ngày kể từ ngày bán, cho, tặng, điều chuyển và hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý về đăng ký và sử dụng lưu hành xe theo quy định của pháp luật. Nếu ai chưa tiến hành các thủ tục đăng ký theo trình tự này thì sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 71/2012/NĐ-CP.
TVPL: Xin Luật sư đưa ra một ví dụ cụ thể về vấn đề này?
Theo quy định của Nghị định 71/2012 thì chỉ quy định là không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, chứ không có quy định về việc đi xe mượn hay xe thuê. Về nguyên tắc của Pháp luật hành chính, muốn xử phạt ai vi phạm hành chính thì phải chứng minh lỗi của người vi phạm. Không thể để người dân phải tự chứng minh tôi có lỗi rồi bị phạt được. Mặt khác, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính” (Điểm đ, khoản 1, Điều 3 Luật sử lý vi phạm hành chính ban hành ngày 20/6/2012, có hiệu lực ngày 01/7/2013). Vì vậy, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải chứng minh mình đang đi xe của ai, thuê hay mượn.
Về thẩm quyền xử phạt của Chiến sĩ công an nhân dân chỉ được phạt tối đa đến 200.000 đồng; Đội trưởng, trạm trưởng chỉ được xử phạt đến 500.000 đồng. Đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định thì thẩm quyền xử phạt thuộc trưởng Công an cấp huyện, và phải chứng minh là có hành vi vi phạm hành chính.
Các lung túng và bất bình của người dân khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực, chủ yếu xoay quanh vấn đề xử phạt xe không chính chủ. Tuy nhiên, nếu nắm rõ được quy định của pháp luật thì sẽ không có những làn song phản ứng vừa qua.
Xét thấy, các cơ quan chức năng nên tuyên truyền rộng rãi và cụ thể để người dân nắm vũng được những quy định này, đảm bảo được sự thực thi và tôn trọng pháp luật. Nhằm tránh các rắc rối phức tạp khi vi phạm, bản thân người dân tốt nhất nên chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ khi tham gia giao thông.
TVPL: Xin cảm ơn Luật sư đã cung cấp cho độc giả những tư vấn hữu ích.
Lan Hương – Thụy Hân (thực hiện)
Xem thêm: Dự thảo sửa đổi Nghị định 71/2012