Ngày 21/11/2012, Chính phủ ban hành nghị định100/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều về bảo hiểm thất nghiệp trong văn bản được ban hành trước đó, Nghị định127/2008/NĐ-CP. Những tưởng quy định mới này sẽ làm rõ những hạn chế bất cập đã tồn tại trong văn bản cũ, tuy nhiên, khi nghiên cứu văn bản thì thấy vẫn còn điểm cần xem xét lại.
Vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục
Theo quy định tại điều 37 NĐ 127, một trong các loại giấy tờ cần phải có của hồ sơ là giấy xác nhận của người sử dụng lao động về việc người LĐ chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật. Đây là vấn đề đã gây là nhiều tranh cãi và các ý kiến trái chiều khác nhau.
Thứ nhất, khi người LĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng thì xét về tâm lý, người sử dụng LĐ tất nhiên sẽ không chấp nhận, và do đó không dễ dàng gì cấp giấy xác nhận cho người LĐ.
Về vấn đề này, NĐ 100 đã bổ sung quy định thêm nghĩa vụ của người sử dụng LĐ phải có nghĩa vụ cung cấp giấy xác nhận cho người LĐ (điểm 7, Khoản 4, Điều 1). Tuy nhiên, văn bản cũng không quy định bất cứ một chế tài nào nếu nếu người sử dụng LĐ không cấp giấy. Vậy có nghĩa là, luật cứ quy định nghĩa vụ, còn muốn thì cấp, không thì thôi, đó là tùy vào ý thích của người sử dụng LĐ. Và cũng chỉ có người LĐ chịu thiệt.
Thứ hai, việc chấm dứt như thế nào mới được hiểu là đúng pháp luật. Về quy định này NĐ 127 cũng không làm rõ và ta phải viện dẫn quy định của các văn bản liên quan. Theo đó, chấm dứt đúng pháp luật có nghĩa là những đối tượng thuộc diện được hưởng BHTN phải nằm trong các trường hợp pháp luật cho phép đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải đúng về thời hạn báo trước. Cụ thể như sau:
Đối tượng được hưởng BHTN: người ký kết hợp đồng (hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc) có thời hạn từ 12 đến 36 tháng; hoặc hợp đồng không xác định thời hạn.
Đối với hợp đồng lao động (áp dụng Bộ luật Lao động). Người ký hợp đồng từ 12 đến 36 tháng phải đơn phương chấm dứt HĐ thuộc các trường hợp khoản 1, và đảm bảo thời hạn báo trước tại khoản 2 Điều 37 BLLĐ 1994 (đã sửa đổi bổ sung năm 2002); người ký hợp đồng không xác định thời hạn thì chỉ cần thỏa thời hạn báo trước tại khoản 3 cùng điều mà không cần thêm bất kỳ điều kiện nào khác.
Đối với hợp đồng làm việc (áp dụng Luật viên chức) viên chức phải chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điều 29 Luật viên chức.
Nghị định 100 đã sửa đổi điều khoản về giấy xác nhận: thay vì giấy xác nhận đơn phương chấm dứt phải đúng pháp luật, thì được sửa đổi thành giấy xác nhận đơn phương chấm dứt hợp đồng theo hướng dẫn của Bộ Lao động thương binh và xã hội (Khoản 8 Điều 1). Với cách hiểu của chữ “hợp pháp”, tuy không rõ nghĩa nhưng ta có thể viện dẫn được các quy định trong các văn bản liên quan khác.
Nhưng, với từ “hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội” thì phải hiểu như thế nào? Lẽ ra, khi ban hành NĐ 100, nhà làm luật nên quy định cụ thể trong văn bản về trường hợp này thay vì ghi một cách mập mờ khó hiểu, và có lẽ chúng ta vẫn phải chờ cho đến khi một văn bản hướng dẫn tiếp theo được ban hành.
Thuận lợi hơn cho NLĐ
Bên cạnh những hạn chế đề cập trên, NĐ cũng có những quy định mới thông thoáng hơn cho người LĐ. Chẳng hạn về thời hạn đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động được tăng từ 7 ngày lên 3 tháng (Khoản 7, Điều 1). Thời hạn này đã tạo sự chủ động cho người lao động, và cho họ một thời giạn thích hợp để chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ BHTN hợp lệ. Thêm vào đó, trình tự giải quyết thất nghiệp cũng được quy định rõ ràng. Cơ quan lao động phải giải quyết trong bao nhiêu ngày, chi trả trong bao nhiêu ngày đều được quy định cụ thể (Khoản 9, Điều 1).
Nhìn chung, NĐ 100 đã thể được “thiện chí” của nhà làm luật trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, tuy nhiên cần có những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn trong thời gian tới để đưa quy định áp dụng được vào trong thực tế.
Cập nhật bởi ThanhLongLS ngày 25/12/2012 05:40:30 CH
Cập nhật bởi kimcuong_1412 ngày 07/12/2012 01:37:47 CH