Chào các anh chị em Dân luật!
Hôm nay tôi mạo muội đưa vấn đề này lên diễn đàn để mọi người cho ý kiến:
Luật lao động cũ có quy định về việc đăng ký thoả ước lao động với cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền, cụ thể tại Điều 47 có quy định:
"1- Thoả ước tập thể đã ký kết phải làm thành bốn bản, trong đó:
a) Một bản do người sử dụng lao động giữ;
b) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở giữ;
c) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở gửi công đoàn cấp trên;
d) Một bản do người sử dụng lao động gửi đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày ký.
2- Thoả ước tập thể có hiệu lực từ ngày hai bên thoả thuận ghi trong thoả ước, trường hợp hai bên không thoả thuận thì thoả ước có hiệu lực kể từ ngày ký."
Việc đăng ký có thể hiểu là phải được cơ quan quản lý lao động chấp thuận thoả ước bằng văn bản sau khi đã kiểm tra, xem xét các nội dung quy định trong thoả ước.
Trong quá trình góp ý dự thảo luật lao động 2012, nhiều ý kiến cho rằng việc cơ quan quản lý lao động can thiệp quá sâu vào thoả ước lao động tập thể hay nói cách khác là can thiệp vào sự thương lượng thành giữa người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động là không nên. Chính vì vậy mà khi Luật lao động năm 2012 được thông qua, việc đăng ký TULĐTT không còn hiện hữu trong quy định của luật, thay vào đó, người sử dụng lao động chỉ cần nộp 01 bản thoả ước đã ký kết cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh (Sở lao động thương binh và xã hội). Cụ thể:
"Điều 75. Gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác."
Luật lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 và trong thời gian này một số doanh nghiệp đã thực hiện việc nộp TULĐTT mà không bị "vướng bận" điều gì (Sở LĐTB và XH chỉ tiếp nhận và giao biên nhận cho doanh nghiệp).
Tuy nhiên, ngày 12/01/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lao động, trong đó có hướng dẫn về gửi TULĐTT như sau:
"Điều 19. Trách nhiệm tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý nhà nước về lao động
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể được quy định như sau:
1. Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện thỏa ước lao động tập thể có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thì cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu hai bên tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định."
Quy định này vô hình chung đã "quay trở lại quá khứ" vì đây chính là quy định của luật lao động cũ. Chưa bàn đến việc "bước lùi" này, bản thân quy định này cũng có vấn đề. Luật lao động năm 2012 có quy định việc ký kết TULĐTT phải thông qua trình tự thương lượng, đối thoại và cuối cùng đi đến ký kết TULĐTT giữa 02 bên. Thêm vào đó hiệu lực của Thoả ước thường được các doanh nghiệp quy định "có hiệu lực kể từ ngày ký kết". Do đó nếu phát hiện sai sót thì Sở LĐTB&XH chỉ còn cách yêu cầu Toà án tuyên bố TULĐTT vô hiệu một phần hoặc toàn bộ và điều này sẽ gây phiền toái không chỉ cho Toà án, Sở LĐTBXH và cả doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu. Đó là chưa kể đến việc gây lãng phí, tốn kém cho các bên tham gia vụ việc. Mặt khác, nếu trong quá trình thực hiện thoả ước nếu các bên phát hiện có quy định trái pháp luật thì có thể sửa đổi, bổ sung thoả ước hoặc Thanh tra lao động có thể kiến nghị sửa đổi, nếu không sửa đổi thì yêu cầu Toà án tuyên bố TULĐTT vô hiệu. Vậy thì Sở LĐTBXH "ôm" thẩm quyền này để làm gì? Phải chăng để có cơ hoạnh hoẹ doanh nghiệp. Mặt khác, Sở LĐTBXH đã có thẩm quyền trong việc xem xét, đăng ký Nội quy lao động của doanh nghiệp rồi, nay lại thêm thủ tục xem xét đăng ký TULĐTT (vốn đã bị đề nghị bỏ khi xây dựng luật mới) thì có phải "ôm đồm" quá không.
Thực tiễn đã có một số doanh nghiệp chấp nhận "bôi trơn" để được thông qua thoả ước và cam kết sửa đổi những nội dung trái luật trong bản thoả ước mới, vì nếu sửa đổi lại theo yêu cầu của Sở LĐTB&XH thì doanh nghiệp phải tiến hành ký kết lại, rất tốn thời gian, tiền bạc....
Thiết nghĩ nếu Nghị định "qua mặt" Luật lao động thì nên sửa đổi Luật Lao động theo hướng:
- Một là, quy định Doanh nghiệp phải "đăng ký TULĐTT" với cơ quan quản lý lao động trước khi tiến hành ký kết chính thức. Điều này có nghĩa , doanh nghiệp phải nộp dự thảo TULĐTT để cho cơ quan quản lý lao động rà soát lại các quy định pháp luật (làm giúp Công đoàn, bộ phận pháp chế của doanh nghiệp).
- Hai là, quy định hiệu lực của TULĐTT được xác định từ thời điểm ký kết (sau khi đã được cơ quan quản lý lao động phê duyệt dự thảo) hoặc có hiệu lực kể từ khi cơ quan quản lý lao động có văn bản công nhận TULĐTT.
Trên đây là một vài quan điểm cá nhân. Rất mong nhận được sự chia sẻ, ý kiến của thành viên Dân Luật.
Cập nhật bởi khoathads ngày 22/09/2015 11:03:02 SA